Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cử hành trọng thể Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhóm PV Báo Hànộimới| 12/10/2013 07:12

(HNMO)- Vào đúng 7h30 sáng 12-10, tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức diễn ra, bắt đầu cho nghi lễ đồng thời diễn ra tại Hà Nội, Quảng Bình và TP HCM.


Kết thúc buổi sáng đầu tiên của Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nước mắt nghẹn ngào của triệu triệu người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và cả bạn bè quốc tế tiếp tục hòa làm một trong niềm tiếc thương vô bờ. 


Chiều nay, từ 12h - 14h, các đoàn viếng của các tỉnh, thành phố sẽ lần lượt vào viếng Đại tướng. Một giờ sau đó là các đoàn viếng của các ban, bộ, ngành đoàn thể; từ 15 giờ đến 21 giờ, các đoàn viếng còn lại và các cá nhân.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh

Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, bắt đầu từ 7h sáng mai (13-10). Tiếp đó, thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại quê nhà Quảng Bình.

Thời gian đón linh cữu của Đại tướng dự kiến sẽ diễn ra khoảng 13h ngày 13-10 tại Sân bay Đồng Hới. Sau đó, linh cữu Đại tướng sẽ được di chuyển bằng ôtô ra thẳng Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch để tổ chức lễ an táng.

HNMO sẽ tường thuật trực tuyến lễ truy điệu, di quan và an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 6h50 - 12h và 13h30 đến 15h00 ngày mai (13-10).

Tại Quảng Bình, phóng viên Ngọc Thanh cho biết, tính đến 10h20, đã có 125 đoàn vào viếng Đại tướng.

10h40, sau cơn mưa nặng hạt, trời Quảng Bình chợt nắng. Đoàn người vào viếng Đại tướng mỗi lúc một đông hơn.

Từ 11h trưa nay, những người đã có mặt bên trong vườn hoa Pasteur sẽ di chuyển ra ngoài để xếp hàng. Theo thông tin Ban tổ chức lễ tang, chiều nay sẽ không đăng ký vào viếng như kế hoạch ban đầu. Mọi người sẽ xếp hàng từ đầu đường Trần Thánh Tông để lần lượt vào viếng như ở nhà riêng Đại tướng những ngày vừa qua.

Tại Hà Nội, cho tới 10h16, không quản ngại cái nắng cuối thu gắt gao, càng về trưa, người dân càng tập trung đông tại khu vực xung quanh  Nhà tang lễ Quốc gia để được theo dõi qua màn hình Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



                                                                        Ảnh: Ngân Hạ

Cũng cho tới thời điểm này, trên nhiều tỉnh thành của cả nước như Điện Biên, Yên Bái, Đăk Lắk... lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức trang nghiêm. Đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tới thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bàn thờ Đại tướng được đặt tại những vị trí trang trọng.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã hướng về Hội trường Thống nhất để chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người di chuyển trong tĩnh lặng, thành kính để được vào viếng, tiễn đưa một vị anh hùng của dân tộc đã ra đi mãi mãi. 

7h30 phút, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã đọc điếu văn khai mạc lễ viếng. 

Sau lời giới thiệu, Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Hoàng Quân dẫn đầu đã vào viếng; tiếp đó các đoàn của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính Phủ và các đoàn của Cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam; Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Hải quân; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Bộ Tư lệnh thành phố; Đoàn đại biểu Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố; Đoàn đại biểu Hội Cựu Chiến binh thành phố và Đoàn đại biểu thanh, thiếu nhi tiêu biểu thành phố vào viếng.

Thiếu niên TP HCM vào viếng Đại tướng. Ảnh: Đặng Loan


Tính đến 9h, đã có 60 đoàn của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đến viếng. Dòng người hướng về Hội trường Thống nhất tham gia viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng đông. Trong đoàn người viếng có nhiều người tóc bạc trắng đã phải đi xe lăn và cả những em bé được ba mẹ đưa đến đều chung niềm thương tiếc khôn nguôi….

Bà Ngô Thị Huệ, Phu nhân của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm nay đã 96 tuổi được con gái và con rể đưa đến viếng trên xe lăn. Nghẹn ngào chia sẻ, bà cho biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị Đại tướng lẫy lừng, hết long vì dân vì nước trong suốt cuộc đời mình mà còn là một con người nghĩa tình trọn vẹn với vợ con.

Bà Ngô Thị Huệ, Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi sổ tang. Ảnh: Đặng Loan


Rất nhiều người dân ở các tỉnh thành phía Nam đến từ sáng sớm để chờ được viếng. Trân trọng đặt lại nén hương và bó hoa cúc vàng vào túi xách, anh Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1982 nhà ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, anh đã thức dậy từ 3h sáng để đi và Hội trường Dinh Thống Nhất lúc 5h. Tuy nhiên theo Ban Tổ chức thông báo, buổi sáng lễ viếng dành cho các cơ quan, đơn, buổi chiều mới đến lễ viếng của cá nhân nên anh sẽ chờ được viếng mới quay về.

Trong hội trường Thống nhất, Ban tổ chức lễ đã bố trí các màn hình lớn để nhân dân đến viếng có thể theo dõi được các hình ảnh được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Bên ngoài, ba màn hình lớn đươc bố trí để truyền tiếp Lễ tang Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, bên cạnh đó nhiều thước phim tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giới thiệu tại lễ viếng. 


Bắt đầu từ 9h08, 
Đoàn tùy viên quân sự các nước lần lượt vào viếng Đại tướng. 

Đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam vào kính viếng Đại tướng. Ảnh: QĐND

Cùng thời điểm này tại Quảng Bình, Ban tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức diễn tập đưa linh cữu của Đại tướng từ sân bay Đồng Hới tới Vũng Chùa.

Tại Quảng Bình, đến 9h trời đã ngớt mưa và sáng hơn. Dòng người chờ vào viếng Đại tướng vẫn tiếp tục dài thêm.

Các bạn trẻ chờ viếng Đại tướng tại Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Thanh


Đến xếp hàng từ 5h sáng, cựu chiến binh, thương binh Đào Minh Tâm (huyện Bảo Ninh) vẫn lặng lẽ đứng ngoài nhìn vào lễ viếng trong trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.

Cựu chiến binh Đào Minh Tâm lặng lẽ chia tay Đại tướng. Ảnh: Ngọc Thanh


Tiếp đó
, là đoàn viếng do Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam dẫn đầu.

Đồng chí Lê Thanh Hải, dẫn đầu đoàn Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu Đoàn Đại biểu thành ủy HĐND, UBND Mặt trận Tổ quốc TP HCM vào viếng Đại tướng.

Giáo sư Vũ Khiêu đến viếng Đại tướng. Ảnh: Tô Phán

Tại Hà Nội, vào lúc 8h34, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu Đoàn Đại biểu Thành ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội vào viếng Đại tướng. Tham dự đoàn còn có các đồng chí: Ngô Thị Doãn Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ; Tưởng Phi Chiến, Phó bí thư Thành uỷ; Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ; Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ; Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hànộimới...

Đoàn đại biểu Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên BCT, Bí thư Thành uỷ, dẫn đầu vào viếng. Ảnh: Viết Thành


Ghi số tang, đồng chí Phạm Quang Nghị viết: Với tình cảm yêu mến biết ơn và tiếc thương vô hạn, thay mặt đảng bộ chính quyền, quân và dân thủ đô Hà Nội chúng tôi cùng với dòng người nối dài trên đường phố Hà Nội những ngày vừa qua xin được gửi tới gia đình Đại tướng lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội qua đời là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm của Đại tướng là tấm gương tiêu biểu sáng ngời về lòng trung thành vô hạn về lý tưởng cách mạng, với tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội mãi mãi ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc mà Đại tướng đã dành cho nhân dân Hà Nội. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng sống mãi cùng non sông đất nước.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên BCT, Bí thư Thành uỷ Hà Nội ghi sổ tang. Ảnh: Tô Phán

Tại Quảng Bình, theo ghi nhận của phóng viên Ngọc Thanh đang có mặt ở đây cho biết, lúc này, trời vẫn đang mưa tầm tã. Đoàn người vào viếng Đại tướng kiên nhẫn đội mưa chờ đến lượt mình vào tiễn biệt Đại tướng. 

Người dân Quảng Bình viếng Đại tướng dưới trời mưa lớn. Ảnh: Ngọc Thanh


Lễ viếng đã chính thức trên quê hương Đại tướng cũng bắt đầu từ 7h30. Đoàn đầu tiên vào viếng là các lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đoàn đại biểu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình cùng các cơ quan trong tỉnh.

Lúc 8h10, đoàn các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh vào viếng Đại tướng.

Sau Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam, đếnĐoàn đại biểu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu vào viếng Đại tướng.

Phía bên ngoài Nhà tang lễ, ngày càng có nhiều người dân đổ về để được theo dõi qua màn hình lớn đặt tại vườn hoan Pasteur. Lực lượng công an được tăng cường đông đảo để bảo đảm khu vực xung quanh Nhà tang lễ luôn trật tự, an toàn một cách nghiêm ngặt nhất.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang: 

Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Văn, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự tài ba, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh đầu tiên, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách, và những cống hiến to lớn của đồng chí trong lòng dân là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử dân tộc.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, quân đội ta để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyện mãi mãi học tập tư tưởng, đạo đức, và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí. Xin vĩnh biệt đồng chí. Xin gửi tới gia đình đồng chí Đại tướng lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát này.

Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên, Tên tuổi, sự nghiệp nhân cách in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn, tiếc thương sâu sắc của chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí. Xin vĩnh biệt đồng chí. Xin gửi tới gia đình đồng chí Đại tướng lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát này.

Lời ghi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong sổ tang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi sổ tang: 

Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Với 103 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng mạng cao quý: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”, đồng chí là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, đã dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân, cho đất nước. Là vị Tướng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, kính trọng, tên tuổi Đại tướng sẽ mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Là một biểu tượng tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, đồng chí còn là một vị tướng huyền thoại, được bạn bè quốc tế vinh danh, nghiêng mình và khâm phục.

Trước anh linh đồng chí, chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” như tâm nguyện suốt đời của đồng chí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi sổ tang: 

Hà Nội ngày 12/10/2013, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình, kính viếng và tiễn Đại tướng tới nơi an nghỉ vĩnh hằng. Xin chia sẻ với đau thương vô hạn của phu nhân và toàn gia quyến. Kính viếng!.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang:

Hà Nội ngày 12/10/2013, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người Đảng viên Cộng sản trung kiên, người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng đầu tiên, người anh cả kính yêu của quân đội nhân dân Việt Nam. Chính phủ mãi mãi ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn và nguyện học tập noi gương đồng chí. 

Chúng tôi nguyện chung sức chung lòng hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân. Xin chia buồn sâu sắc đến gia quyến đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp – huyền thoại sống mãi với Tổ quốc ta, nhân dân ta.  

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị ghi sổ tang:

Với tình cảm yêu mến biết ơn và tiếc thương vô hạn, thay mặt đảng bộ chính quyền, quân và dân thủ đô Hà Nội chúng tôi cùng với dòng người nối dài trên đường phố Hà Nội những ngày vừa qua xin được gửi tới gia đình Đại tướng lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội qua đời là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm của Đại tướng là tấm gương tiêu biểu sáng ngời về lòng trung thành vô hạn về lý tưởng cách mạng, với tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội mãi mãi ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc mà Đại tướng đã dành cho nhân dân Hà Nội. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng sống mãi cùng non sông đất nước.

Lời ghi của Thường trực Ban bí thư TƯ Đảng Lê Hồng Anh và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị trong sổ tang.


Đại tướng Phùng Quang Thanh ghi sổ tang:

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, nhà quân sự lỗi lạc, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh Cả của Quân đội ta, một nhân cách lớn với trí tuệ và đạo đức trong sáng, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và cảm phục, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để đồng bào cả nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân kính trọng, yêu quý, học tập và làm theo.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của Đại tướng gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc.

Hơn 30 năm là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng luôn nêu cao tấm gương sáng về tư tưởng cách mạng tấn công và sáng tạo trong nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, nghệ thuật chỉ huy quyết chiến và quyết thắng đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù.

Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn và mãi mãi tự hào về vị Tổng Tư lệnh tài năng xuất chúng, Người Anh Cả bình dị, gần gũi, thân thiết.

Trong những ngày đau thương này, toàn quân xin nguyện luôn đoàn kết, giữ vững truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ như lời căn dặn của Đại tướng lúc sinh thời. Xin dâng nén tâm nhang để tiễn biệt Anh Văn về nơi yên nghỉ ngàn thu với đất mẹ Quảng Bình.

Lời ghi của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong sổ tang.

Tiếp đó là Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu vào viếng. Ông Vũ Trọng Kim thay mặt đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc chia buồn với gia quyến Đại tướng.


Vào lúc 7h50, tại Hà Nội:
Đoàn đại biểu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cùng các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt đoàn thắp hương tưởng nhớ Đại tướng. Đoàn dành một phút tưởng niệm và đi vòng quanh linh cữu để vĩnh biệt Đại tướng.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vào viếng Đại tướng. Ảnh: Như Ý

Cùng lúc này, tại tỉnh Quảng Bình, đã có trên 1300 đoàn với gần 10.000 người đã về Nhà lưu niệm của Đại tướng tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để viếng Đại tướng.


Đoàn đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu vào viếng Đại tướng. Cùng đi có các Phó Chủ tịch Quốc hội. Thay mặt đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiến lên lư hương để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng và ghi sổ tang.

Đoàn Đại biểu Quốc hội do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng vào viếng. Ảnh: Như Ý

Tiếp sau Đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Nhà nước tiến vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau phút mặc niệm, Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đi vòng quanh linh cữu Đại tướng để vĩnh biệt Đại tướng.

Chủ tịch nước ghi sổ tang. Ảnh: VOV

Đúng 7h30Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính thức mở đầu lễ viếng trên cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng và chia buồn với gia quyến của Đại tướng.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VOV Online.

(LTS)- Vào đúng 7h30 sáng nay (12-10), tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức diễn ra, bắt đầu nghi lễ đồng thời diễn ra tại  Hà Nội, Quảng Bình và TP HCM. 

Kính mới quý vị bạn đọc theo dõi tường thuật trực tuyến toàn bộ quá trình cử hành lễ viếng Đại tướng trên HNMO.


Theo thông báo của Ban tổ chức Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong sáng nay, thứ tự các đoàn viếng gồm Ban Chấp hành TƯ Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quân ủy Trung ương, gia quyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tiếp đó là các đoàn của lãnh đạo cấp cao nước ngoài; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; các đoàn quốc tế và ngoại giao.

Đoàn viếng cuối cùng được xếp lịch vào buổi sáng là Cựu chiến binh Việt Nam.


Vào buổi chiều, từ 12h đến 14h là đoàn viếng của các tỉnh, thành phố; 14h đến 15h đoàn viếng của các bộ, ngành đoàn thể Trung ương. Trong thời gian còn lại từ 15h đến 23h là các đoàn viếng và cá nhân.

Trước đó, như HNMO đã đưa tin, vào 12h trưa 11-10, tại quảng trường Ba Đình đã diễn ra lễ thượng cờ tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lễ thượng cờ đặc biệt này diễn ra dưới sự chứng kiến của đông đảo nhân dân với lòng tiếng thương vô hạn.

Từ quảng trường Ba Đình lịch sử, tất cả các công sở, địa điểm công cộng cũng treo cờ rủ như ngàn lời tri ân tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh.


Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, bắt đầu từ 7h sáng mai (13-10). Tiếp đó, thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại quê nhà Quảng Bình.

Thời gian đón linh cữu của Đại tướng dự kiến sẽ diễn ra khoảng 13h ngày 13-10 tại Sân bay Đồng Hới. Sau đó, linh cữu Đại tướng sẽ được di chuyển bằng ôtô ra thẳng Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch để tổ chức lễ an táng.

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ tường thuật trực tiếp lễ quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên VTV1, VTV5 vào lúc 6h50 - 12h và 13h30 đến 15h00 ngày mai (13-10).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử hành trọng thể Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.