Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công chứng viên được xem như “công lại” của Nhà nước

Vân An| 29/10/2013 10:03

(HNMO) – Một điểm mới trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là dự luật xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên như “công lại” của Nhà nướ.

Công chứng viên được xem như “công lại” của Nhà nước

Tờ trình của Chính phủ cho biết, sau 6 năm thi hành Luật Công chứng, những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và ngày càng tăng cường về chất lượng. So với thời điểm giữa năm 2007 khi Luật Công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người (tăng 3,4 lần); số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức (tăng hơn 8 lần). Sau 6 năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được gần 7 triệu việc, với doanh thu gần 2.780 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật cũng đã phát sinh những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải được sửa đổi cho sát với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 8 chương, 76 điều, tăng 9 điều so với Luật Công chứng năm 2006, trong đó sửa đổi 31 điều, bổ sung 10 điều và bỏ 1 điều.

Về các quy định chung, ngoài các nội dung kế thừa từ Luật Công chứng năm 2006, dự thảo Luật sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, theo đó giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu, cụ thể như sau: Cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, công chứng viên có quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại.

Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, quy hoạch phát triển khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước, trong đó chủ yếu phát triển Văn phòng công chứng, củng cố các Phòng công chứng hiện có, tính toán lộ trình cổ phần hoá các Phòng công chứng đủ điều kiện, chuyển đổi các Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng. Chỉ thành lập Phòng công chứng đối với những địa bàn còn khó khăn, chưa có điều kiện xã hội hoá công chứng để giảm gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước.

Quy hoạch được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011 - 2015: Quy hoạch phát triển khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng; Giai đoạn 2016 - 2020: Quy hoạch phát triển khoảng 700 tổ chức hành nghề công chứng.

Dự luật cũng xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên như “công lại” của Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, chịu sự quản lý đồng thời của Nhà nước và của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề của mình, phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

Về tiêu chuẩn công chứng viên, đào tạo và tập sự hành nghề công chứng, dự thảo Luật quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Đồng thời, nâng thời gian đào tạo nghề công chứng từ sáu tháng lên mười hai tháng, nhằm đảm bảo có đủ thời gian đào tạo những nội dung cần thiết, đồng thời cũng phù hợp với thời gian đào tạo các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; giữ nguyên đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như Luật công chứng năm 2006 nhưng người được miễn đào tạo phải tham gia khoá bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Về cấp Thẻ công chứng viên, bổ nhiệm lại công chứng viên, dự thảo Luật phân cấp cho Sở Tư pháp nơi công chứng viên đăng ký hành nghề cấp Thẻ công chứng viên thay vì giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp như quy định hiện hành. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm quy định về mẫu Thẻ, hướng dẫn thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ công chứng viên.

Về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, dự thảo Luật quy định công chứng viên được pháp luật bảo đảm một số quyền hành nghề công chứng, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có nghĩa vụ tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra và nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu.

Về thành lập tổ chức hành nghề công chứng, dự thảo Luật quy định việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được phê duyệt. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập phải có ít nhất một công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập chỉ có công chứng viên hợp danh, không có công chứng viên góp vốn...


Cần phân định rạch ròi giữa công chứng và chứng thực

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi và cho rằng, thực tiễn vừa qua cũng cho thấy khái niệm công chứng và chứng thực đang còn thiếu rành mạch; trong các luật còn có những quy định thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản được công chứng hay chứng thực là như nhau nên Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm các nội dung nói trên vào dự thảo Luật.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên, đồng thời cho phép người dân được lựa chọn việc chứng nhận bản dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Phòng tư pháp quận, huyện như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn và cho rằng việc quy định người dân được lựa chọn giữa việc công chứng bản dịch giấy tờ tại các tổ chức hành nghề công chứng và chứng thực bản dịch tại Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như đề xuất trong dự thảo Luật thì vô hình trung lại tiếp tục thừa nhận sự thiếu rành mạch trong việc xác định giá trị pháp lý cũng như phạm vi giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Do vậy, mặc dù giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ nhưng không nên xác định đây là một hoạt động công chứng về nội dung mà chỉ quy định hoạt động này như một hình thức chứng thực về thủ tục tương tự như việc các Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đang thực hiện.

Về đội ngũ công chứng viên, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này, ví dụ như cơ sở nào để kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng từ 6 tháng lên thành 12 tháng, việc quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, nhất là đối với công chứng viên là viên chức tại các Phòng công chứng hiện nay (vì không thống nhất với quy định của Luật Viên chức, của Bộ luật Lao động)...

Về chủ trương xã hội hóa và quản lý tổ chức hành nghề công chứng, một số ý kiến một mặt tán thành với việc cần có quy hoạch để bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng nhưng còn băn khoăn vì hiện nay, trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước còn chưa đồng đều, nhận thức cũng như nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư có sự khác biệt giữa các vùng miền, nên khó có điều kiện phát triển thêm các Văn phòng công chứng tư nhân tại các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.... như quy hoạch đã đề ra. Vì vậy, rất cần thiết duy trì các Phòng công chứng nhà nước ở các địa bàn này. Ngược lại, tại các địa phương tập trung đông dân cư, có nhu cầu cao về công chứng thì việc giới hạn số lượng tổ chức hành nghề công chứng là quá cứng nhắc, dễ tạo điều kiện cho tình trạng tùy tiện, "xin-cho" trong việc quyết định thành lập mới các Văn phòng công chứng, tạo lợi thế độc quyền cho các tổ chức hành nghề công chứng đã được thành lập. Do đó, trong công tác quy hoạch, quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, cần đặc biệt lưu ý đến tính chất, đặc điểm cũng như nhu cầu của từng địa phương, tránh cách làm áp đặt, chủ quan, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của xã hội nói chung.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung đã qua chỉnh lý, tiếp thu. Ngoài những ý kiến về mặt từ ngữ hoàn chỉnh văn bản, các đại biểu vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho các nội dung liên quan đến các chính sách của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp toàn diện, phòng trừ dịch bệnh; việc tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hàng hóa sau kiểm dịch thực vật; chế tài xử phạt khi sử dụng hóa chất độc hại; hệ thống cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật…

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công chứng viên được xem như “công lại” của Nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.