Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống tham nhũng - Cần doanh nghiệp đồng hành

Phong Thu| 12/11/2013 06:45

(HNM) - Để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phi tham nhũng, hướng tới sự phát triển bền vững thì không thể thiếu sự đồng hành của các DN.

Đất đai là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ảnh: Phan Anh


Doanh nghiệp làm "hư" cán bộ?

Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã chủ trì, phối hợp với Công ty MONACO nghiên cứu về tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của DN. Trong phạm vi nghiên cứu đã phỏng vấn 832 cá nhân tại 232 DN ở 5 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Kết quả cho thấy, có tới 80% người được hỏi cho rằng, tham nhũng vặt phổ biến và rất phổ biến, chỉ có 17% cho rằng ít xảy ra. 58% ý kiến cho rằng, DN là nạn nhân của tham nhũng vặt. Các hình thức nhũng nhiễu của cán bộ, công chức (CBCC) thường gặp là: Cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi DN; cố tình đặt ra các yêu cầu sai quy định… Theo góc nhìn của DN, 5 ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất là: Cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; 3 cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ là: Thuế, cảnh sát giao thông và hải quan. Điều đáng nói, hầu hết DN cho rằng tham nhũng vặt gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc nhưng trước thực trạng đó, không phải DN nào cũng có thái độ ứng xử đúng đắn. Bên cạnh các DN đưa ra lý lẽ thuyết phục CBCC, thì có nhiều DN vẫn tiếp tục chờ đợi hoặc đưa quà, đưa tiền cho CBCC và chỉ có một số ít nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Đáng chú ý, nghiên cứu của Cục Chống tham nhũng cho thấy, trong tham nhũng vặt chỉ có 30% là do CBCC gợi ý, song có tới 70% là do DN chủ động đưa hối lộ. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra con số tương đương: 63% DN được khảo sát đã trả các khoản chi phí không chính thức, hơn 75% DN cho biết đã tự nguyện hối lộ dù không bị gợi ý. Theo các chuyên gia, chính các DN góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính, đó là: Khi công chức gây khó dễ - DN và người dân có động cơ đưa hối lộ - khó khăn được giải quyết - công chức có động cơ để tiếp tục gây khó dễ.

Nói "không" với hối lộ

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới: Các tỉnh, thành phố có hiện tượng đưa hối lộ ít hơn lại có khối DN hoạt động hiệu quả hơn và các tỉnh, thành phố có nhiều hối lộ hơn thì DN cũng kinh doanh kém hơn. Chung quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng khẳng định: "Ở đâu tham nhũng tồn tại với quy mô lớn thì ở đó hoạt động kinh doanh kém. Các DN thành công bền vững thường là các DN thực hiện tốt liêm chính, tham gia tốt vào PCTN trong kinh doanh". Như vậy, có thể thấy, sự lựa chọn đúng đắn nhất cho DN là cần phá vỡ vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính. Kinh nghiệm của các đơn vị đã thành công cho thấy, cùng với bí quyết công nghệ cần có nền tảng quản trị chuyên nghiệp, có triết lý và văn hóa kinh doanh, trong đó liêm chính được đặc biệt coi trọng. Trên thực tế, DN cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như: Ban hành quy tắc ứng xử trong kinh doanh, phát động phong trào "Nói không với tham nhũng", tổ chức sự kiện nâng cao nhận thức về PCTN, tham gia các sáng kiến PCTN… Điển hình như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã thực hiện chính sách về chống tham nhũng, hối lộ bằng việc ra các chính sách có liên quan như: Bộ quy tắc ứng xử, quy chế đấu thầu, truyền tải thông tin về nhận hối lộ; đồng thời, thực hiện kiểm soát tránh nhận hối lộ, tránh đưa hối lộ đối với chính phủ (quan chức chính phủ, cán bộ các cơ quan nhà nước) và đối tác (khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư). Người có hành vi tham nhũng sẽ bị cách chức, chuyển công tác hoặc sa thải.

Tuy nhiên, hành động đơn lẻ của từng DN không thể thay đổi môi trường tham nhũng nên rất cần các DN cùng chung tay hành động. Cụ thể là có thể liên minh thực hiện thúc đẩy chuẩn mực kinh doanh minh bạch; các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề khuyến khích các DN ký cam kết thực hiện đạo đức kinh doanh, xây dựng bộ quy tắc ứng xử của DN. Bên cạnh đó, điều không thể thiếu là cần tăng cường chế tài xử lý đối với DN sử dụng biện pháp đưa hối lộ làm méo mó tính chất thị trường cạnh tranh lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng - Cần doanh nghiệp đồng hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.