Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm: Hội tụ điều kiện cần và đủ

An Trân| 30/11/2013 06:42

(HNM) - Là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố, với dân số hơn 550.000 người, huyện Từ Liêm đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị và quản lý dân cư vì vẫn quản lý theo mô hình nông thôn.


Hệ thống công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn huyện Từ Liêm đã được đầu tư đồng bộ.
Ảnh: Trọng Đạt



Hướng tới mô hình quản lý đô thị phù hợp

Huyện Từ Liêm hiện nay có diện tích tự nhiên 7.562,70ha, dân số 553.294 nhân khẩu, mật độ dân số là 7.300 người/km2. Dự báo trong khoảng 1- 2 năm tới, nhiều khu đô thị mới được đưa vào sử dụng; khi đó dân số của huyện Từ Liêm sẽ vào khoảng trên 600.000 người, mật độ dân số trên địa bàn sẽ cao hơn mức 10.000 người/km2.

Hệ thống công trình hạ tầng đô thị của huyện được tập trung đầu tư, hiện tại đã bảo đảm tính đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh. Hiện nay, trên địa bàn Từ Liêm đã có các công trình quan trọng của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia; trụ sở các cơ quan trung ương như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều công trình hiện đại như tòa nhà Keangnam, hàng loạt khu đô thị lớn khác như Khu đô thị Nam Thăng Long, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Đất rộng, người đông đã kéo theo một khối lượng công việc khổng lồ về quản lý nhà nước trên địa bàn. Qua thống kê sơ bộ, năm 2012, huyện đã phải giải quyết 506.818 thủ tục hành chính của các tổ chức và công dân (gấp nhiều lần các quận, huyện khác của thành phố Hà Nội, thậm chí nhiều hơn số thủ tục hành chính phải giải quyết của một số tỉnh miền bắc); trên địa bàn huyện hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động...

Tại Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, UBND huyện Từ Liêm cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, quản lý quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ không bảo đảm hiệu quả và yếu tố bền vững. Và sau hơn 7 năm chuẩn bị công phu, đây là thời điểm thích hợp để tách huyện Từ Liêm thành lập 2 quận mới hướng tới mô hình quản lý đô thị phù hợp, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội, ngày 28-11-2013, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 428/ TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, giao thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập 2 quận và 23 phường.

Sẽ thành lập 2 quận mới với 23 phường

Theo đề án Điều chỉnh địa giới hành chính, UBND huyện Từ Liêm đã đề xuất thành lập 2 quận mới với tên gọi tạm thời là quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm. 23 phường thuộc 2 quận mới sẽ được hình thành trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ 1 thị trấn và 15 xã hiện nay.

Quận Bắc Từ Liêm thuộc phần đất ở phía Bắc huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía tây sông Nhuệ. Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: Thượng Cát; Tây Tựu; Liên Mạc; Thụy Phương; Đông Ngạc 1; Đông Ngạc 2; Xuân Đỉnh 1; Xuân Đỉnh 2; Phú Diễn 1; Phú Diễn 2; Minh Khai; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2. Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm dự kiến tại khu đất nông nghiệp xã Minh Khai với diện tích khoảng 20ha.

Quận Nam Từ Liêm thuộc phần đất phía Nam huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính 7 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía Nam QL 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía Nam QL 32). Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc gồm 10 phường: Mễ Trì; Trung Văn; Tây Mỗ; Đại Mỗ; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Xuân Phương 1; Xuân Phương 2. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm đang sử dụng (4ha) đã được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ.

Về tên gọi của 2 đơn vị hành chính mới khi chia tách, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, tên gọi Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đang được sử dụng tạm thời, còn việc tên đó như thế nào hoàn toàn do người dân quyết định. Việc xây dựng đề án và triển khai các trình tự, thủ tục để điều chỉnh địa giới hành chính đang được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, hiệu quả quản lý, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011, huyện Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội. Huyện đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng được phê duyệt. Trong quy hoạch, đã bố trí quỹ đất, để xây dựng trụ sở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các thiết chế văn hóa - xã hội, các công trình dân sinh phục vụ cho việc hình thành 2 quận và các phường mới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm: Hội tụ điều kiện cần và đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.