Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động của HĐND các cấp gần dân, sát dân hơn

Lê Văn Hoạt| 29/12/2013 06:01

(HNM) - Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV), Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016” (Đề án số 04/ĐA-TU) nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của HĐND, phát huy hơn nữa vai trò của HĐND các cấp để thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.



Việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án 04/ĐA-TU không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc mà còn là yêu cầu, đòi hỏi, định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn thành phố trong việc tăng cường và củng cố hệ thống chính trị theo tinh thần của Chương trình số 01-CTr/TU. Sau một năm triển khai thực hiện, Đề án 04/ĐA-TU của Thành ủy đã đi vào cuộc sống và đạt những kết quả rất rõ.

Thứ nhất: HĐND các cấp đã nhận được sự quan tâm sâu sát, thường xuyên và rất có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thứ hai: Được Đề án 04/ĐA-TU khẳng định vai trò, yêu cầu và định hướng, HĐND các cấp chủ động và tự tin hơn trong việc tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nhờ đó trong năm qua, hoạt động của HĐND các cấp đã chuyển biến tích cực và khá toàn diện trong việc thực hiện chức năng quyết định, giám sát.

Kỳ họp của HĐND (đặc biệt là ở HĐND cấp thành phố) tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng đi sâu vào thực chất, phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng ở Thủ đô. Công tác chuẩn bị cho các kỳ họp được các cơ quan phối hợp chuẩn bị chu đáo, đúng quy định pháp luật. Chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP Hà Nội và nhiều quận, huyện, thị xã được nâng cao, rõ tính phản biện, rõ quan điểm, cung cấp nhiều thông tin, luận cứ khoa học và thực tiễn, tạo thuận lợi cho các đại biểu thảo luận, quyết nghị tại kỳ họp. Việc điều hành kỳ họp của thường trực HĐND các cấp cũng bài bản, khoa học hơn, khơi dậy và phát huy được trí tuệ của các đại biểu. HĐND các cấp đều bố trí thời gian trong chương trình kỳ họp để thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn; riêng HĐND cấp thành phố đã dành một ngày và HĐND các quận, huyện đều đã dành ít nhất nửa ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong năm 2013, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 36 nghị quyết, trong đó có 27 nghị quyết chuyên đề (bao gồm 12 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, 5 nghị quyết về cơ chế chính sách, 3 nghị quyết về quy hoạch các ngành, lĩnh vực). Chưa có năm nào HĐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như vậy.

Hoạt động giám sát của HĐND các cấp cũng được triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn. Những thông tin từ ý kiến của cử tri, từ các phương tiện thông tin, báo chí và đặc biệt là từ kết quả giám sát của HĐND được chính quyền các cấp quan tâm theo dõi, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Nhiều vấn đề “nóng” và khó khăn phức tạp như quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng nhà chung cư, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, xã hội hóa công tác y tế - giáo dục, nợ đầu tư XDCB, thu ngân sách… đã được HĐND TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã giám sát sâu, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị những giải pháp xử lý, khắc phục, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị. Đáng chú ý là tại kỳ họp lần thứ tám (tháng 12-2013) HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND TP với nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng và đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Năm 2013, lần đầu tiên HĐND các cấp đã thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá là đã phản ánh khá khách quan mức độ tín nhiệm đối với mỗi chức danh.

Công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, theo dõi và đôn đốc giải quyết đơn thư cũng có nhiều nét mới. Trên cơ sở Đề án 531/ĐA-HĐND của Thường trực HĐND thành phố về “Đổi mới công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP”, từ tháng 1-2013, tất cả các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã về tiếp công dân tại các đơn vị bầu cử - nơi nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra mình. Sau một năm thực hiện cho thấy, đây là một chủ trương đúng hướng và phát huy hiệu quả. Qua tiếp xúc cử tri và tiếp công dân tại các địa phương, các đại biểu HĐND thành phố gần gũi hơn, gắn bó hơn với cử tri, kịp thời nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc và những mong muốn, kiến nghị của cử tri, có điều kiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết. HĐND các cấp ở nhiều quận, huyện của thành phố cũng đã tích cực triển khai chế độ tiếp công dân theo hướng này.

Có thể nói, thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Đề án số 04/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố đón nhận và triển khai thực hiện trên diện rộng và đạt kết quả, hiệu quả thiết thực. Với nhiều chương trình và việc làm cụ thể, hoạt động của HĐND ở TP Hà Nội ngày càng toàn diện hơn, sâu hơn, sát cơ sở hơn, gần dân hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của HĐND các cấp gần dân, sát dân hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.