Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện thủ tục hành chính: Công khai để chống tham nhũng

Khởi Minh| 25/02/2014 06:17

(HNM) - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ vừa tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về việc thực hiện TTHC trong 5 lĩnh vực...

Hoạt động khảo sát, đánh giá được thực hiện thông qua chương trình làm việc trực tiếp với các cơ quan giải quyết TTHC trong 5 lĩnh vực tại 3 bộ, ngành (Tài chính, NN&PTNT, BHXH Việt Nam) và 6 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau và Lạng Sơn). Đồng thời, Hội đồng tư vấn cũng gửi phiếu khảo sát (lựa chọn từ 18-21 TTHC mỗi lĩnh vực) tới các cá nhân, doanh nghiệp (DN), đơn vị thành viên theo các kênh khác nhau (công văn, e-mail, đăng tải trên trang thông tin điện tử…) để thu thập thông tin. Mỗi phiếu khảo sát có 10 câu hỏi liên quan đến thực hiện các TTHC thuộc 5 lĩnh vực này.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Ảnh: Viết Thành


Tại các địa phương được khảo sát, đoàn công tác nhận thấy các cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện và áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc công khai TTHC. Một số cục, chi cục thuế đã chủ động phát hành tờ rơi hướng dẫn để người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về TTHC. Lĩnh vực BHXH cũng được thực hiện tương đối tốt việc niêm yết công khai TTHC. Nhiều đơn vị đã trang bị màn hình máy tính để tra cứu thông tin, có phần mềm theo dõi quá trình giải quyết thủ tục.

Ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết: "Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức chủ yếu tập trung vào ba vấn đề chính, gồm: Sự không phù hợp của TTHC; sự không đồng bộ, thống nhất của quy định hành chính và các hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cơ quan hành chính hoặc của cán bộ, công chức". Theo kết quả khảo sát, có tới 129/300 DN được hỏi cho biết, họ phải đi lại nhiều lần tới cơ quan thuế để sửa đổi, bổ sung và hỏi kết quả; 108/300 DN làm thủ tục hải quan cũng cho biết phải đi lại nhiều lần. Quá trình giải quyết TTHC về kiểm dịch thủy sản, cán bộ, công chức còn yêu cầu thêm các giấy tờ không cần thiết, thời gian giải quyết kéo dài, đặc biệt việc hướng dẫn TTHC còn yếu nên DN phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ. Trong khi đó, việc phản ánh, kiến nghị của người dân, DN với cơ quan chức năng ở các địa phương không đều. Điển hình là trong lĩnh vực BHXH, BHYT, trong khoảng 2 năm gần đây, địa phương nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị, nhất là TP Hà Nội với 1.284 phản ánh (lĩnh vực BHXH: 337 phản ánh qua đơn thư, 385 phản ánh trực tiếp; lĩnh vực BHYT: 261 phản ánh qua đơn thư, 301 phản ánh trực tiếp), còn Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh không nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào.

Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, việc đơn giản hóa TTHC cũng như công tác kiểm soát TTHC còn nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng chưa được tháo gỡ. Nguyên do là các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành dứt điểm việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ thông qua tại các nghị quyết chuyên đề. Qua đợt khảo sát lần này, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị. Theo đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về thuế; áp dụng hoãn thuế, kéo dài thời gian nợ thuế; phân loại các DN để áp dụng chính sách ưu tiên kiểm tra và xét hoàn thuế. Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và kiểm dịch thủy sản xuất nhập khẩu. BHXH Việt Nam sớm hoàn thiện chương trình ứng dụng CNTT cho các lĩnh vực công tác thu, chi, chế độ BHXH, tài chính, cấp thẻ…

Với những đề xuất cụ thể của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC về việc đơn giản hóa TTHC trong từng lĩnh vực, nhiều công dân, tổ chức và DN đang hy vọng trong thời gian sớm nhất việc thực hiện TTHC sẽ đơn giản, thuận tiện hơn, góp phần giảm thiểu tình trạng tham nhũng và "tham nhũng vặt".

Kết quả tổng hợp từ phiếu khảo sát về thực hiện niêm yết, công bố công khai cũng phản ánh kết quả khá khả quan. Cụ thể, trong 41 TTHC về thuế, hải quan được khảo sát, có tới trên 80% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng TTHC được niêm yết công khai, đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, chính xác tại nơi giải quyết; trong 21 TTHC về BHXH được khảo sát, có 80% người dân và DN công nhận TTHC đã được niêm yết; trong lĩnh vực BHYT là 67%. Riêng lĩnh vực kiểm dịch thủy sản, nhiều DN cho rằng TTHC niêm yết công khai không đầy đủ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện thủ tục hành chính: Công khai để chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.