Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phân biệt các thành phần kinh tế

Hà Phong| 11/03/2014 06:46

(HNM) - Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định các thành phần kinh tế của đất nước đều có quyền hợp tác và cạnh tranh bình đẳng.

Bình đẳng để phát triển

Một trong những nội dung rất quan trọng của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là các quy định về chế độ kinh tế. Ngay trong Lời nói đầu, Hiến pháp mới đã đưa ra mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiếp đó, Điều 51 - Chương III khẳng định, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Việc hiến định doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Phương Thanh


Như vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: "Về mặt nguyên tắc, sẽ không còn giới hạn phân biệt từ mặt quan điểm cho đến các cơ chế, chính sách pháp lý; không có sự phân biệt, không có sự bất bình đẳng, giữa các thành phần kinh tế trong cơ cấu kinh tế của nước ta". Theo đó, Nhà nước không can thiệp các quan hệ kinh tế bằng những biện pháp hành chính mà là "người" lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động kinh tế. Cạnh tranh là nguyên tắc chủ đạo của cơ chế thị trường. Đây là cơ sở để loại bỏ tư duy cát cứ đang tồn tại trong không ít văn bản hiện nay. Trong một thời gian dài, nhiều văn kiện, luật đều khẳng định doanh nghiệp nhà nước luôn giữ những vị trí then chốt, điều tiết kinh tế vĩ mô, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật… Vì phải gánh quá nhiều trọng trách nên doanh nghiệp nhà nước cũng được kèm theo nhiều ưu đãi hơn về đất đai, nguồn lực... Do thiếu giám sát đã nảy sinh ra những sai phạm đổ vỡ tại Vinalines, Vinashin... Hiện tượng cứ lỗ là tăng giá cũng diễn ra ở những doanh nghiệp nhà nước. Còn các khu vực kinh tế khác dễ bị "chèn ép", ít được hưởng sự quan tâm, ưu đãi, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chưa thể chen chân vào những lĩnh vực quan trọng. Nay việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo điều kiện để khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển. Trước áp lực cạnh tranh, các tập đoàn, các tổng công ty chiến lược cũng sẽ phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn.

Về kinh tế, ngoài những quy định tại chương III, Hiến pháp mới còn nhiều quy định liên quan trong các chương khác, trong đó quyền kinh tế được Hiến pháp mới ghi nhận như các quyền cơ bản của con người và quyền công dân (chương II). Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp; mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm; công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế được đặt trong mối quan hệ tổng thể với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ…

Lần đầu tiên "doanh nhân" được hiến định

Theo Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh, những đổi mới nêu trên có sự tác động qua lại, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Cùng với cam kết tôn trọng tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, lần đầu tiên doanh nghiệp, doanh nhân đã được ghi tên như một chủ thể đóng vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là điều mà giới doanh nhân mong muốn, trông chờ từ lâu. Như vậy, các thế hệ doanh nhân Việt Nam từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, chỉ được coi là "con buôn, con phe" trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nay đã có hàng triệu doanh nhân đang "đứng mũi chịu sào" lãnh đạo điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, 15.000 hợp tác xã, 4 triệu hộ kinh doanh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận chính danh trong Hiến pháp.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đưa chủ thể doanh nhân doanh nghiệp vào Hiến pháp là ghi nhận, động viên, cổ vũ đội ngũ doanh nhân, bảo đảm tính cơ cấu các giai tầng xã hội. Việc hiến định doanh nghiệp, doanh nhân còn hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách rõ ràng về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới. Đặc biệt, khuyến khích loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh bài bản được điều hành bởi các doanh nhân. Đây chính là khu vực kinh doanh hiện đại, có quy mô đủ lớn, có hiệu quả cao và là động lực tăng trưởng chính của mọi nền kinh tế. Hơn nữa, việc hiến định doanh nhân trong Hiến pháp sẽ góp phần xác nhận chắc chắn vị trí của doanh nhân trong lòng dân tộc, tạo niềm tin và điểm tựa cho họ trong những nỗ lực trụ vững để vươn lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng đất nước, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hiến pháp mới đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Giới doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước mong muốn các cơ quan chức năng chỉnh sửa ngay những cơ chế, chính sách chưa phù hợp với Hiến pháp, trước mắt là ở Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đầu tư để từ đó, khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có cơ sở kết hợp với khối doanh nghiệp nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phân biệt các thành phần kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.