Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Võ Lâm| 16/04/2014 05:36

(HNM) - Ngày 15-4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị lần thứ 16 xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và những tháng cuối năm 2014.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt


Trong quý I-2014, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,6%. Đây là mức tăng trưởng khá, song thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội không cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng trung bình cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với tình trạng hàng tồn kho lớn, vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hạn chế, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như thiết bị điện (13,3%), kim loại (10,5%), giấy và sản phẩm từ giấy (4,3%)… Ngành dịch vụ tăng trưởng 7,6%, thấp hơn cùng kỳ các năm 2011 - 2013 do sức mua giảm, người dân tiết kiệm chi tiêu. Vì nhiều bất lợi do thị trường, thời tiết và diện tích vụ đông bị thu hẹp, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp chỉ tăng 0,3% trong quý I, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2013 (5,6%).

Trong chương trình làm việc tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV đã tiến hành bầu bổ sung các đồng chí thành ủy viên: Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy vào Ban Thường vụ Thành ủy.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho rằng: "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của thành phố đã đi vào cuộc sống, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Các DN vẫn khó hấp thụ chính sách". Giám đốc Sở Công thương đề nghị, thứ nhất, các quận, huyện tập trung phát triển các cụm, điểm công nghiệp, bởi đây là nơi quy tụ các chính sách để khuyến khích, thu hút các DN. Thứ hai, các quận, huyện không nên quá tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, mà cần dành một phần kinh phí để phát triển các ngành nghề mới, việc làm mới. Giám đốc Sở Công thương đề nghị thành phố bỏ tư tưởng không phát triển công nghiệp ở các quận nội thành mà cần định hướng chuyển đổi sang sản xuất sạch. Vì vừa qua, có 38 DN dời khỏi khu vực nội đô, nhưng lại không chuyển ra ngoại thành mà sang các tỉnh khác.

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu đang lớn, do một loạt các nước cạnh tranh với Việt Nam đang gặp những vấn đề bất lợi. Vì vậy thành phố nên đẩy mạnh việc hỗ trợ DN xuất khẩu để tận dụng cơ hội này. Chủ tịch Hapro cũng đề nghị thành phố tháo gỡ vướng mắc về chế độ chính sách lao động dôi dư, xác định giá trị DN, cải cách thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 37 DN đã có trong kế hoạch. Ở góc độ khác, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn cảnh báo, nếu không được giãn, hoãn nộp thuế, chỉ 2 năm nữa, số tiền thuế và bị phạt vì chậm nộp của một số dự án bất động sản sẽ bằng cả tổng vốn đầu tư. Cục trưởng Cục Thuế thành phố kiến nghị thành phố báo cáo Chính phủ xem xét việc giãn, hoãn nộp thuế đối với một số dự án bất động sản, đồng thời rà soát đối với từng dự án cụ thể để có biện pháp tương ứng. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt đề nghị, thành phố chủ động về nhóm giải pháp đối phó với nguy cơ thiểu phát, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ ràng về xu hướng này.

Đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, kết thúc phần thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đòi hỏi lãnh đạo cấp ủy chính quyền phải hết sức năng động, sáng tạo trong thực thi các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là phải tăng cường các phong trào thi đua để huy động sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đây cũng là nội dung được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh trong kết luận hội nghị. Bên cạnh các giải pháp đã được hội nghị thống nhất theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, coi đây là biện pháp ưu tiên số một. Trong đó, phải tập trung hỗ trợ DN về vốn, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính... Các cấp, các ngành trên tinh thần trách nhiệm cao phải năng động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong và ngoài nước. Song song với đó, các cấp, các ngành nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định dự án, rà soát các dự án trọng tâm trọng điểm để lựa chọn, tập trung nguồn lực thúc đẩy tiến độ thực hiện. Bí thư Thành ủy yêu cầu tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, song song với việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong nhiều năm Hà Nội không giữ được mức tăng cao hơn trung bình chung cả nước 1,5 lần. Các cấp, các ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình phải cắt nghĩa cho được nguyên nhân. Trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục".

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như bảo đảm an ninh quốc phòng, duy trì trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục bằng được những yếu kém trong quản lý trật tự đô thị để "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" tạo được những chuyển biến rõ nét. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí và tinh thần dân chủ, kỷ cương, hoàn thành tốt nhiệm vụ các tháng còn lại.

Không ít những tín hiệu tích cực


Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Hà Nội đạt mức thấp hơn kỳ vọng, nhưng một số chỉ tiêu kinh tế thành phần có dấu hiệu tích cực. Ngành xây dựng tăng trưởng 7,9%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 8,5%, cao hơn 1,2% so với cùng kỳ năm 2013 (7,3%). Hai chỉ số này cho thấy thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Trong quý I, có 3.400 DN được thành lập mới, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2013. Số doanh nghiệp ngừng, nghỉ sản xuất cũng giảm 5% so với năm 2013. Các khoản thuế như VAT, thu nhập doanh nghiệp thông qua kê khai cho thấy đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Tổng dư nợ đến cuối tháng 3 giảm 0,74% so với cuối năm 2013, nhưng dư nợ cho vay nền kinh tế thực chất đã tăng 1,09%. Kết quả chương trình cho vay tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ xuất khẩu và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 2-3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.