Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một thời tòa soạn

Nguyễn Năng Lực| 16/04/2014 07:51

(HNM) - Tôi về công tác tại Báo Hànộimới từ tháng 10-1998, làm biên tập viên (BTV) Ban Thư ký Tòa soạn (TKTS), thay ông Quang Tôn đến tuổi nghỉ hưu.

Trao đổi phương án trình bày.



Nhưng ông Sơn cũng nghỉ hưu ngay trong tháng ấy, ông Trình lên thay. Lúc bấy giờ Báo Hànộimới hằng ngày còn ra 4 trang/số, trụ sở chưa được cải tạo, còn những bậc cầu thang gỗ lim đen bóng từ thời Pháp. Ban TKTS làm việc ở tầng hai tòa nhà phía trong sân, tầng dưới là nhà in. Trưởng ban là nhà báo Quang Hòa, Phó ban là Phùng Dũng, sau có thêm nhà thơ Nguyễn Hòa Bình. Trình bày báo là anh em họa sĩ Lê Văn Hiệp, Lê Tấn Hiển, làm maquette bằng tay mà cấm có sai lệch. Ông Hiệp vui tính, là cây biếm họa cự phách của làng văn nghệ Hà thành, hay nói "maxiông" thay cho câu cảm thán. Tôi vẫn giữ những kỷ niệm và lòng kính trọng với nhà báo lão thành Trương Uyên, "ông ký nhật trình" từ thời Pháp thuộc. Năm tôi về nhận việc, cụ đã ngoài 70 tuổi, được mời làm cố vấn cho Ban TKTS. Cụ Uyên mình hạc vóc mai, luôn ăn mặc chỉnh tề, chải đầu thẳng nếp. Cụ như pho từ điển sống, thông kim bác cổ. Anh nào có gì thắc mắc, chưa hiểu, hỏi cụ đều được giải đáp chu đáo. Ban có bà Xuyến là nhân viên đánh máy chữ. Bà Xuyến là Việt kiều ở Tân Đảo (Nouvelle Caledoni) về nước, giỏi tiếng Pháp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, lại rất quan tâm đến mọi người. Tôi về được hơn một tuần, bà nói nhỏ với tôi: "Chị bảo này, ở đây có mấy người họ quý chữ của họ lắm, em đừng đụng vào bài của họ nhớ". Ô hay, biên tập mà không đụng vào bài vở thì làm gì. Tôi thưa với bà Xuyến: "Chị yên tâm, em cố gắng không để ai phàn nàn đâu". Lúc biên tập, tôi cố gắng cẩn thận từng câu, từng chữ, khi cần thì trao đổi với tác giả. Được một thời gian, nhiều anh bảo ông cứ sửa, không phải hỏi nữa đâu, nhưng mà sửa sai thì ông chịu. Về sau, chân BTV bổ sung thêm nhà văn Lê Tấn Hiển, cùng tuổi Nhâm Thìn với tôi. Ông Hiển sửa bài rất cẩn thận, nhiều khi viết lại cả đoạn, thậm chí cả bài Mỗi ngày một chuyện cho phóng viên. Như thế cái lương tâm nghề nghiệp của BTV không phải áy náy, phóng viên cũng chả phàn nàn vì bài vở của họ hay hơn. Hai BTV già, phông kiến thức tạm đủ cho công việc, góp phần cho bài vở "sạch sẽ" hơn. Sau này Ban TKTS có thêm nhiều anh trẻ mà phông kiến thức đầy đặn như Xuân Trường, Huy Anh, Lê Hoàng Anh. Hai họa sĩ Trung Trực và Hoài Trung hậu sinh mà chữ nghĩa, điển tích điển cố cũng đáng nể, nữ họa sĩ Nguyệt Thơ nhiều cảm xúc về Hà Nội và thế giới, đi đâu về là có bài góp với mục Phóng sự - Ký sự - Tư liệu. Nhiều nhà báo trưởng thành từ đây, phóng viên ảnh Quốc Cường sau nhiều năm làm Trưởng ban TKTS đã được điều sang "nắm" Ban Bạn đọc. Phóng viên Lê Hoàng Anh nay là Phó Tổng biên tập, Cù Xuân Trường là Trưởng ban TKTS, Huy Anh là Phó ban Văn hóa - Xã hội…

Mười mấy năm làm BTV Báo Hànộimới, tôi có cảm giác ngày nào cũng là ngày mới, vẹn nguyên niềm thích thú với công việc. Ở Báo Hànộimới, nhiều đồng chí lãnh đạo có tác phong giản dị, thực sự cầu thị. Còn nhớ dịp chuẩn bị ra báo Tết Ất Dậu 2005, tôi đọc một bản thảo, cũng chả để ý tác giả là ai, cứ hào hứng sửa. Một đồng nghiệp ngó vào rồi nói nhỏ: "Bài của anh Trình đấy, anh đừng sửa". Tôi nhìn lại thì đúng là bài "đinh" của Tổng Biên tập Xuân Trình, đành dừng bút, gọi ông Trình đang làm việc ở bàn bên cạnh: "Em trót đụng vào mấy đoạn của anh rồi". Ông Trình ngẩng lên, trả lời nhanh: "Chú cứ sửa đi, có thế mới cần đến các chú chứ". Năm 2008, nhà báo Hồ Quang Lợi từ Báo Quân đội nhân dân về làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới là cây viết bình luận có tiếng trong làng báo cả nước, mạch văn khúc triết, giọng văn hào sảng rất có bản sắc. Dưới thời Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi, Báo Hànộimới có thêm chuyên mục Luận bàn & Hành động, nhờ đó tính chiến đấu tăng mạnh. Sau khi chuyển đi làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, ông vẫn viết nhiều bài "đinh" cho báo Đảng Thủ đô. Đến khi Tổng Biên tập Tô Quang Phán về nhậm chức, tôi thấy tác phong làm việc của ông thật hiện đại mà hiệu quả. Ông thường dùng cái điện thoại thông minh to bằng quyển sổ con. Đi bất cứ đâu, kể cả ra nước ngoài, với cái thiết bị cầm tay nối mạng ấy, ông có thể kiểm soát được và kịp thời chỉ đạo quá trình xuất bản tại Tòa soạn. Ông tôn trọng cấp dưới, khi có bài của cộng tác viên gửi đến, ông thường trao đổi với Ban chuyên đề hoặc Ban TKTS.

Tuy thời gian làm BTV chỉ bằng một phần tư lịch sử Báo Hànộimới hằng ngày, nhưng chứng kiến sự phát triển của tờ báo in từ 4 trang lên 8 trang, từ trình bày bằng tay đến thiết kế trên máy tính, chứng kiến sự ra đời báo Hànộimới Điện tử…, tôi luôn yêu quý và tự hào được làm việc tại tờ báo Đảng Thủ đô.n

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một thời tòa soạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.