Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân có “quyền được biết”!

Phong Thu| 22/04/2014 06:09

(HNM) - Trục nội dung

PAPI đo lường mức độ "công khai, minh bạch" ở 3 nội dung: Danh sách hộ nghèo, ngân sách cấp xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất đền bù. Trong đó, đất đai, quy hoạch vẫn là vấn đề người dân có nhu cầu được biết nhiều nhất, song tỷ lệ người dân được tiếp cận về vấn đề này lại thấp nhất. Theo nghiên cứu của PAPI 2013, hầu như không có sự cải thiện nào về mức độ công khai nội dung này trong ba năm, từ 2011 đến 2013. Năm 2013, chỉ có 20,8% trong số 13.892 người dân được hỏi trên toàn quốc cho biết họ có được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của xã, phường nơi họ cư trú. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đứng đầu về tỷ lệ người được hỏi có biết nội dung này cũng chưa tới 50%, còn ở tỉnh Bắc Giang tỷ lệ này là 1,6%.

Công dân quận Bắc Từ Liêm xem niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan tại bộ phận “một cửa” của UBND quận. Ảnh: Bá Hoạt


Trong khi đó, kết quả nghiên cứu về điểm trung bình trên toàn quốc của trục nội dung "trách nhiệm giải trình với người dân" năm 2013 là 5,65 (không hơn nhiều so với mức điểm 5,5 của năm 2011 và 5,58 của năm 2012). Có 23 tỉnh, thành phố năm 2013 tăng điểm về trách nhiệm giải trình nhưng cũng có 11 tỉnh giảm điểm về nội dung này. Riêng tỉnh Bắc Giang giảm tới 15% so với năm 2011. Hiệu quả tiếp xúc với cán bộ ở các địa phương còn chênh lệch lớn, trong khi ở Đà Nẵng có tới 100% người được hỏi hài lòng với cuộc gặp gỡ, còn tại Nam Định hầu như không có người nào cho rằng họ đạt kết quả tốt sau khi đến gặp cán bộ xã, phường.

Nhìn rộng ra các nội dung khác của công tác cải cách hành chính, có thể thấy việc công khai thủ tục hành chính (TTHC), quy trình giải quyết TTHC đã được triển khai rộng rãi, song hệ thống TTHC thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường vẫn thường bị trả chậm hơn so với các TTHC khác do chưa có quy trình phối hợp giải quyết hiệu quả. Và, ở địa phương nào thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch thì chất lượng hành chính công ở đó tốt, sự hài lòng của người dân cao hơn. Tiêu biểu như TP Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình... đã làm tốt công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC do bộ TTHC được công bố công khai trên trang tin điện tử của các tỉnh, thành phố và các đơn vị. TP Đà Nẵng xây dựng một cơ chế tuyển dụng công chức theo hướng công khai, minh bạch, khoa học và thực tài. TP Hà Nội thuộc nhóm đạt điểm cao nhất về "công khai, minh bạch" trong kết quả PAPI 2013 nhờ thực hiện công khai toàn bộ bộ TTHC và quy trình giải quyết TTHC dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, các tài liệu kế hoạch, quy hoạch, chính sách của TP Hà Nội đã minh bạch hơn so với những năm trước đây và việc tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí thời gian để thực hiện các quy định đã được cải thiện.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp), Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Nguyễn Văn Lâm nhận định: "Cơ chế kiểm soát TTHC còn rời rạc tại các cấp chính quyền, không mang tính tập trung, trực tiếp và trách nhiệm của một số cơ quan hành chính nhà nước còn thấp". Trước thực trạng này, Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án "Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền". Hệ thống ra đời sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện nền hành chính, hướng tới nền hành chính phục vụ, văn minh, hiện đại, công khai, minh bạch, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong việc phục vụ nhân dân. Dự kiến, từ năm 2014 đến 2016 sẽ triển khai vận hành hệ thống thông tin kết nối, tích hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và các cơ quan, tổ chức giải quyết TTHC tại 4 cấp chính quyền. Từ năm 2016 sẽ thực hiện thí điểm để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2017 đến 2020.

Thực tiễn cho thấy, việc công khai, minh bạch có tác động lớn tới chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố; và người dân đang ngày càng cần được hưởng "quyền được biết" của mình. Do đó, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp không thể xem nhẹ việc công khai, minh bạch các nội dung theo yêu cầu khi xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân có “quyền được biết”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.