Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công đoàn Việt Nam: Bám sát cơ sở, đổi mới hoạt động

Linh Chi| 28/07/2014 06:17

(HNM) - 85 năm kể từ ngày thành lập đến nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã từng bước trưởng thành và phát triển.



Trong từng giai đoạn lịch sử, các cấp công đoàn đều thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là động lực quan trọng để đội ngũ cán bộ và tổ chức Công đoàn tiếp tục vươn lên nâng cao chất lượng phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới.

Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn luôn thể hiện tốt tinh thần đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Ảnh: Nhật Nam


Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động

Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) là một trong những chức năng cơ bản nhất của Công đoàn Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan. Để thực hiện chức năng này, nhiều năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức đối thoại và nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp (DN)...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, từ năm 2008 đến nay, Tổng Liên đoàn đã tham gia xây dựng hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hàng trăm văn bản cấp Chính phủ, bộ, ngành, văn bản pháp luật quốc tế... LĐLĐ các địa phương, công đoàn ngành TƯ, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm nội bộ của địa phương, ngành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của CNVCLĐ. Đến nay đã có 100% LĐLĐ cấp tỉnh, công đoàn ngành TƯ, gần 90% LĐLĐ cấp huyện, ngành địa phương, hơn 70% công đoàn cơ sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, DNNN và khoảng 20% công đoàn cơ sở DN ngoài khu vực nhà nước đã xây dựng được quy chế phối hợp công tác. Tại nhiều cơ sở, Công đoàn đã chủ động tham mưu, góp phần ổn định quan hệ lao động, chủ động phòng ngừa và giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, đình công. Tỷ lệ doanh nghiệp ký TƯLĐTT đã tăng lên 67%; trong đó khu vực DNNN là 97%, khu vực có vốn FDI là 63% và khu vực tư nhân là 59% so với những DN có tổ chức Công đoàn. Chất lượng các TƯLĐTT cũng được chú trọng nâng cao, bảo đảm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của luật…

Tại Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Văn Thực khẳng định, công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ Thủ đô luôn được các cấp công đoàn thành phố chú trọng. 5 năm vừa qua, LĐLĐ thành phố đã tham gia sắp xếp, chuyển đổi 136 DNNN (trong đó cổ phần hóa 69 DN, sáp nhập 7 DN, chuyển thành công ty TNHH MTV 42 DN và các loại hình khác 18 DN); thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động dôi dư, bảo đảm việc làm và các quyền lợi khác cho hàng nghìn lao động; thực hiện chính sách ưu đãi đối với 34.000 CNLĐ. Hằng năm có 92% DNNN tổ chức đại hội CNVC, 99% cơ quan hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị CBCC, 62% DN khu vực ngoài nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ, thực hiện quy chế dân chủ... Đáng chú ý, LĐLĐ đã phối hợp với UBND thành phố, định kỳ tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với đại diện CNLĐ tại các KCN tập trung, trực tiếp giải quyết những đề xuất, kiến nghị của CNLĐ, thúc đẩy đối thoại giữa chủ DN với NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn thành phố đã tham gia phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại 5.143 doanh nghiệp, tổ chức 1.643 cuộc kiểm tra về công tác ATVS lao động, phòng chống cháy nổ; qua đó kiến nghị xử lý các vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho 34.820 NLĐ. LĐLĐ thành phố phối hợp giải quyết kịp thời 94 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền lợi cho 45.215 CNLĐ, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ gìn ANTT trên địa bàn thành phố…

Những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển hiện nay, thực tế đang đặt ra không ít thách thức đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn. Chủ tịch Công đoàn các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, các DN, cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, khiến hoạt động Công đoàn cũng gian nan không kém. Phần lớn DN sản xuất cầm chừng, nhiều DN bị phá sản. Việc làm và đời sống hằng ngày của CNLĐ càng thêm khó khăn. Không ít DN yêu cầu làm việc 9-10 giờ/ngày, khiến NLĐ không còn thời gian học tập, giải trí… Trong khi đó, 70% CNLĐ xuất thân từ nông thôn, trình độ nghề nghiệp thấp, tồn tại tác phong sản xuất nông nghiệp. Điều đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải cố gắng vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tuyên truyền, giáo dục CNLĐ.

Còn theo nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Lợi, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ công đoàn hạn chế về kinh nghiệm vận động công nhân, hoạt động công đoàn, về trình độ hiểu biết chính sách, pháp luật. Thậm chí, không ít cán bộ công đoàn chưa được đào tạo về lý luận, nghiệp vụ công đoàn. Trong khi đó, các KCN-CX có tới hàng vạn CNLĐ, đã phát sinh nhiều mâu thuẫn mới: tranh chấp lao động, tiền lương, giờ làm việc, điều kiện sinh hoạt của công nhân… Thực tế này đòi hỏi hoạt động Công đoàn phải có nhiều đổi mới, bám sát cơ sở, có tiếng nói kịp thời với cơ quan quản lý và chủ DN để giải quyết tận gốc những yêu cầu chính đáng của CNLĐ.

Những khó khăn đó Công đoàn hoàn toàn có thể vượt qua, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, tổ chức Công đoàn Việt Nam được hoạt động trong môi trường chính trị thuận lợi; có đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng định hướng các hoạt động. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn phát triển vững mạnh. Trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam cần tranh thủ và phát huy những yếu tố thuận lợi, tìm giải pháp vượt mọi thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phong trào công nhân và hoạt động công đoàn lên tầm cao mới. Muốn vậy, các cấp công đoàn cần quan tâm sâu sắc hơn đến việc làm, đời sống, quyền làm chủ và sự công bằng xã hội của CNLĐ. Hiện chỉ có 30-40% số DN ngoài khu vực nhà nước có tổ chức Công đoàn. Công đoàn cần khẩn trương thành lập công đoàn cơ sở, tăng cường tập hợp, đoàn kết CNLĐ, thi đua lao động sản xuất; qua đó, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. Để làm được điều đó, Công đoàn phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và các chủ DN, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và chăm lo đời sống cho CNLĐ, tạo điều kiện cho CNLĐ học tập, nâng cao trình độ.

Nhưng trước hết, Công đoàn phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cán bộ; bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ Công đoàn đặt ra trong tình hình mới. Cán bộ công đoàn phải sâu sát tình hình sản xuất, chủ động bảo vệ quyền lợi của CNLĐ trong tiền lương, tiền thưởng, nhà ở; có khả năng đại diện cho CNLĐ ký kết TƯLĐTT, phát triển các hoạt động văn hóa, tham quan du lịch, nghỉ mát, giải quyết đầy đủ quyền lợi về đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống đã có, các cấp Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công đoàn Việt Nam: Bám sát cơ sở, đổi mới hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.