Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát thủ tục hành chính: Việc nhiều, nhân sự “mỏng”

Phong Thu| 29/07/2014 06:29

(HNM) - Do đặc thù Thủ đô có khối lượng việc lớn nên mỗi đơn vị cần có quyết tâm cao và các giải pháp phù hợp mới có thể bảo đảm công tác kiểm soát TTHC hoạt động hiệu quả lâu dài.

Thực hiện các quy định của TƯ và thành phố, cuối năm 2013, Sở Tư pháp Hà Nội đã tiếp nhận nhiệm vụ kiểm soát TTHC từ Văn phòng UBND thành phố, kiện toàn tổ chức bộ máy với 6 cán bộ. Bên cạnh đó, các sở, ngành đã bố trí 73 công chức là cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC; 30/30 quận, huyện, thị xã phân công lãnh đạo, chuyên viên làm đầu mối kiểm soát TTHC và các xã, phường, thị trấn cũng phân công một cán bộ tư pháp - hộ tịch làm đầu mối kiểm soát TTHC. Cùng với việc ban hành các quyết định là cơ sở pháp lý cho việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC và các đối tượng khác có liên quan. Theo đó, đã có 500 lượt cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC sở, ngành, quận, huyện tham dự các lớp tập huấn. Các đơn vị cũng tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận "một cửa" nhằm đáp ứng đúng yêu cầu trong tổ chức, thực hiện giải quyết TTHC.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Như Ý


Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định 3 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố trong đó có quy định TTHC; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo 10 văn bản của TƯ và 25 văn bản, dự thảo quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND thành phố... Hiện tổng số TTHC đang thực hiện tại TP Hà Nội là 1.702 thủ tục. Việc cập nhật TTHC được công bố vào cơ sở dữ liệu quốc gia bảo đảm theo quy định. Hoạt động kiểm soát TTHC của Hà Nội được Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) đánh giá là đã đạt được kết quả tích cực, nhiều TTHC được đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận, giảm chi phí thực hiện... Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra mới đây của Bộ Tư pháp về hoạt động kiểm soát TTHC của TP Hà Nội, Cục Kiểm soát TTHC cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những mặt đạt được, Hà Nội cần quan tâm một số nội dung như: Tập trung nâng cao chất lượng đánh giá tác động của TTHC và thẩm định dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quyết định công bố TTHC; niêm yết TTHC đúng quy định...

Thực tế cũng cho thấy, để bảo đảm hoạt động kiểm soát TTHC hiệu quả hơn nữa thì còn khá nhiều việc phải làm. Trong đó, vướng mắc lớn nhất liên quan đến vấn đề nhân sự. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, quy định phòng pháp chế được thành lập ở 14 sở, song đến nay toàn TP Hà Nội mới có 3/14 sở có phòng pháp chế. Thực tế này đã dẫn tới chất lượng tham mưu cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như làm hạn chế chất lượng ban hành các văn bản QPPL và tình hình thực thi các văn bản QPPL. Các đầu mối kiểm soát TTHC vừa được thành lập ở các sở, ngành "mặc định" trở thành bộ phận đảm đương các nhiệm vụ tương đương như phòng pháp chế. Khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC và cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC ở các phòng, ban chuyên môn của các sở, ngành, địa phương còn mới, lại kiêm nhiệm nhiều công việc. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm soát TTHC của chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa có cũng gây khó khăn cho các địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất. Thực trạng này dẫn tới việc đánh giá tác động TTHC trong dự thảo văn bản QPPL của một số cơ quan soạn thảo còn lúng túng. Một số sở, ngành chưa kịp thời tham mưu xây dựng, trình thành phố công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế đúng thời hạn quy định. Ngay trong việc kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị cũng được thực hiện ở mức độ hạn chế bởi các thành viên phải kiêm quá nhiều nhiệm vụ, khó bố trí được thời gian. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tư pháp chủ trì mới thực hiện kiểm tra được 2 đơn vị, trong tổng số 7 đơn vị theo kế hoạch của trưởng đoàn kiểm tra.

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều đề án liên quan đến TTHC nên rất cần thực hiện tốt việc đánh giá TTHC, đánh giá tác động quy định TTHC và thẩm định, tham gia ý kiến về dự thảo văn bản QPPL. Trong khi đó, công tác kiểm soát TTHC cũng đòi hỏi phải làm tốt việc công bố, công khai, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính... Vì vậy, hơn lúc nào hết, lãnh đạo các đơn vị cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, tập trung chỉ đạo quyết liệt, bố trí cán bộ phù hợp đảm đương công việc. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ tăng cường rà soát, kịp thời báo cáo những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm soát TTHC đạt hiệu quả tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát thủ tục hành chính: Việc nhiều, nhân sự “mỏng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.