Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở để giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh

Hiền Phương| 30/07/2014 05:55

(HNM) - Sau hơn 4 năm Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến nay các nội dung yêu cầu đề ra đã cơ bản hoàn thành. Từ nguồn dữ liệu thu được đã góp phần không nhỏ vào công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, toàn quốc đã quy tập được hơn 900.000 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, hiện còn hơn 214.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ những năm qua còn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh lùi xa, nhiều nhân chứng đã mất hoặc sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút; địa hình, địa vật nơi bộ đội hy sinh có nhiều thay đổi, đặc biệt là thông tin trong giấy báo tử, hồ sơ danh sách quân nhân hy sinh được ghi theo ký hiệu, phiên hiệu, mật danh riêng của đơn vị để giữ bí mật nên khó xác định danh tính. Vì vậy, giải mã các thông tin ký hiệu, phiên hiệu, mật danh đơn vị quân đội là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, thiết tha của thân nhân gia đình liệt sĩ và đông đảo cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Thiếu tướng Tô Viết Báo, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Thực hiện nhiệm vụ giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều địa phương đã tổ chức gặp mặt các CCB, ban liên lạc, bạn chiến đấu... để cung cấp thông tin về ký hiệu, phiên hiệu đơn vị tại thời điểm xảy ra các trận chiến đấu... Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu đã ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Hội CCB Việt Nam nhằm kêu gọi, động viên lực lượng CCB trong cả nước cung cấp thông tin giải mã. Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam Nguyễn Song Phi cho biết, xác định đây là trách nhiệm, là nghĩa tình đồng đội nên CCB cả nước đã vào cuộc rất tích cực. Ngoài việc cung cấp thông tin cho các đơn vị quân đội, thông qua chương trình phối hợp, CCB trong cả nước đã cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự 63 tỉnh, thành phố hơn 500.000 phiếu cung cấp thông tin giải mã và trên 35.000 thông tin về liệt sĩ.

Cùng với chương trình phối hợp với Trung ương Hội CCB, Bộ Quốc phòng còn ký kết phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nhằm thu thập những thông tin từ hồ sơ thương binh, liệt sĩ được quản lý tại cơ quan LĐ-TB&XH các cấp, tạo thuận lợi để các đơn vị quân đội tiếp cận hồ sơ, thu thập được nhiều thông tin có giá trị giải mã. Từ nguồn dữ liệu thu thập được, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tái dựng được gần 30.000 đơn vị giải mã và gần 37.000 thông tin về liệt sĩ, tổng hợp hơn 4.000 thông tin về phiên hiệu đơn vị phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (theo Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, thời gian tới Bộ Quốc phòng sẽ giao cơ quan chức năng xây dựng phần mềm đăng ký, quản lý giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội. Sau đó, Bộ sẽ chuyển giao cơ sở dữ liệu và phần mềm máy tính về các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố để khai thác, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, cung cấp thông tin về liệt sĩ... Đối với việc giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh, nguồn dữ liệu sẽ góp phần xác định chiến dịch quân nhân tham gia chiến đấu, vùng bị ảnh hưởng chất độc hóa học... từ đó có căn cứ để các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục giải quyết chế độ chính sách theo quy định. Tuy nhiên, để công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội đạt hiệu quả cao hơn, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục triển khai nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao, cách làm sáng tạo, linh hoạt để bổ sung thông tin ngày càng đầy đủ, chính xác, hoàn chỉnh hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở để giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.