Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức mới và cách triển khai mới

Quốc Bình| 21/08/2014 06:07

(HNM) - Hiện nay, các cấp ủy Đảng đang tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết TƯ 9 (khóa XI) về

Hiến máu nhân đạo, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


Những nét mới về quan điểm

Nghị quyết số 33-NQ/TƯ thể hiện bước đột phá trong tư duy chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặt ra yêu cầu mới đối với các cấp ủy Đảng và mỗi đảng viên. Theo GS. TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, nét mới nổi bật là so với tiêu đề Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đã xác định "xây dựng con người Việt Nam" ngay trong tiêu đề. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết. Nội dung này còn được làm rõ hơn tại quan điểm chỉ đạo thứ ba trong Nghị quyết, rằng: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Với quan điểm này, lần đầu tiên "đặc tính cơ bản" về con người Việt Nam cũng đã được xác định rõ.

Một nét mới nổi bật của Nghị quyết số 33-NQ/TƯ là lần đầu tiên, Đảng chỉ rõ: "Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". GS. TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội nhận định: "Xác định đúng vị trí, vai trò của văn hóa sẽ giúp cho việc đối xử với văn hóa như một nguồn tài nguyên đặc biệt. Văn hóa không phải thứ gì trừu tượng mà có thể được khai thác dưới giá trị kinh tế". Thực tế, vì chưa có quan điểm này, nên đầu tư cho văn hóa cũng như thành quả của xây dựng và phát triển văn hóa không tương xứng với các lĩnh vực khác. Sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng chưa tương xứng. Với quan điểm này, văn hóa cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác, để không còn tình trạng coi văn hóa là điều gì đó "có cũng được, không có cũng không sao". Nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo là phải để mỗi một bước tiến của kinh tế, chính trị, xã hội cũng đồng thời là một bước tiến của phát triển văn hóa, con người. Văn hóa phải được coi là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển xã hội.

Nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị

Hiện nay, các cấp ủy Đảng đang triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TƯ về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nội dung Nghị quyết. Tuy nhiên, tại Hà Nội, một số dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đưa ra lấy ý kiến cấp ủy cho thấy, bộ phận soạn thảo chưa thực sự đầu tư công sức. Một số dự thảo chương trình hành động còn nặng về sao chép Nghị quyết, hướng dẫn của TƯ và Thành ủy, không cụ thể hóa được các giải pháp gắn với tính chất đặc thù của từng Đảng bộ. Bên cạnh đó, trong một số hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết TƯ 9 (khóa XI), không khí thảo luận, cho ý kiến về chương trình hành động thường trầm lắng. Đây là thực tế đáng quan tâm, vì chỉ khi nhận thức thay đổi, hiệu quả thực hiện Nghị quyết mới được nâng cao.

Theo GS Vũ Khiêu, hiện nay tình hình lao động còn có nhiều hiện tượng đáng chê trách và đặc biệt đứng về văn hóa đảng mà nói thì đảng viên chưa thực sự nổi bật thể hiện gương sáng về thái độ say sưa, cần cù và sáng tạo trong lao động. GS cho rằng, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi đảng viên là không phải chạy theo đời sống vật chất tầm thường như địa vị, tiền lương, nhà cao, cửa rộng mà là sống, công tác, quan hệ xã hội và sinh hoạt riêng tư như thế nào để toàn dân coi đảng viên là gương mẫu của họ và đồng thời là vinh dự của đất nước… Đó là lý do để trong Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, Đảng đã đề cao vấn đề xây dựng và phát triển con người. Trong đó, nhiệm vụ trước tiên của các cấp ủy Đảng là phải chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Đây là những nhiệm vụ không mới, nhưng đòi hỏi nhận thức mới và cách thực hiện mới, hiệu quả hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức mới và cách triển khai mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.