Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò nhờ chất lượng nhân lực

Hà Phong| 14/09/2014 06:17

(HNM) - Sau khi Thủ đô được giải phóng, những cán bộ tư pháp thế hệ đầu tiên của Hà Nội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, giúp sức cho Đảng bộ, chính quyền thành phố...



Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô, đội ngũ cán bộ tư pháp đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho thành phố các biện pháp siết chặt quản lý, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân Thủ đô.

Chọn việc thành phố cần

Không chỉ thời điểm này, ngành tư pháp mới sôi nổi hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô mà trước đó, noi gương thế hệ đi trước - ngành đã tổ chức nhiều đợt thi đua xây dựng cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, chuyên nghiệp. Trọng tâm là phổ biến pháp luật; xây dựng, thẩm định bảo đảm tiến độ, chất lượng 100% đề án, văn bản được giao; thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được phê duyệt. Con đường ngắn nhất để đến đích được ngành tư pháp xác định là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ theo phương châm, người giỏi giúp đỡ người yếu bằng "cầm tay chỉ việc" gắn với đào tạo lớp công chức nguồn.

Thời điểm trước giải phóng Thủ đô, các cán bộ khối tư pháp đã cố gắng phối hợp cùng các lực lượng khác tham gia đấu tranh với những quan niệm sai lầm về mặt tư tưởng pháp lý và tư pháp, nhưng lực lượng mỏng, trình độ còn hạn chế nên kết quả còn mức độ. Đến nay, với quá trình phát triển liên tục, đội ngũ cán bộ tư pháp Thủ đô ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình. Hầu hết cán bộ có trình độ cử nhân luật, đang được chuẩn hóa theo tiêu chí của Bộ Tư pháp, vừa là chuyên gia pháp lý, vừa làm tròn nhiệm vụ của một người cán bộ cơ sở gần dân, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của dân.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ tư pháp, góp phần tạo đà phát triển của ngành trong những năm tới. Ảnh: Bá Hoạt


Trước yêu cầu của thành phố, năm 2014, ngành tư pháp đã chọn công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là lĩnh vực được ưu tiên để nâng cao trình độ cán bộ, góp phần quan trọng giải quyết những yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, ngành đã góp ý vào 80 dự thảo VBQPPL của TƯ và thành phố, được Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND thành phố đánh giá cao. Tiếp đó, Sở Tư pháp cùng các cơ quan liên quan thẩm định, xây dựng 2 dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và văn hóa. Đến nay, các dự thảo cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng, kịp thời trình HĐND thành phố để thông qua tại kỳ họp thứ mười.

Cùng với công tác VBQPPL, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) cũng có nhiều điểm sáng. Hàng chục hội nghị tập huấn về công tác kiểm soát TTHC cho cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC được tổ chức tại các sở, ngành và một số quận, huyện, thị xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Sở Tư pháp cũng đã tham mưu xây dựng quy định về quy trình, thủ tục trong công tác kiểm soát TTHC của thành phố; xây dựng đề án thí điểm liên thông TTHC đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nộp thuế và công chứng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi liên thông với đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú... Song song với các hoạt động nêu trên, các đợt thi đua vẫn tiếp tục được duy trì tạo khí thế sôi nổi trong toàn ngành. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp với CATP tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống mua bán người. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ diễn ra trong tháng 9 này. Đáng chú ý, từ nay đến trước lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ diễn ra vòng sơ khảo cụm quận, huyện cuộc thi Hòa giải viên giỏi Hà Nội. Vòng thi chung khảo cấp thành phố dự kiến được tổ chức vào tuần lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật tháng 11-2014 với mục đích nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Còn phải làm nhiều việc

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội, ngành tư pháp Thủ đô đã chủ động chọn đúng việc thành phố, Bộ Tư pháp cần để triển khai. Song, so với yêu cầu nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, còn có việc chưa đáp ứng được yêu cầu... Nguyên nhân chính được Sở Tư pháp chỉ rõ là do quá tải công việc. Dù đã được bổ sung, tăng cường nhưng một nửa số xã trên địa bàn thành phố hiện chỉ có 1 cán bộ tư pháp; nhiều quận, huyện chỉ có 5 cán bộ tư pháp, thậm chí có huyện chỉ có 3 cán bộ.

Về vấn đề này, tại cuộc làm việc với Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, quá tải là bài toán trầm kha đối với ngành tư pháp trong nhiều năm qua, để tháo gỡ tình trạng này cần có lộ trình. Trước mắt, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cần rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp, trên cơ sở đó so sánh cụ thể với nhiệm vụ được giao. Mặt khác, ngành cũng cần chứng minh được rằng, với việc bổ sung nguồn nhân lực tư pháp sẽ góp phần tích cực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Về phía UBND thành phố đã có văn bản đề nghị các quận, huyện quan tâm đến việc bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, góp phần tạo đà cho sự phát triển của ngành tư pháp Thủ đô trong những năm tới.

Kết thúc khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cơ sở cho công chức nguồn tư pháp - hộ tịch làm việc tại UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2014, toàn bộ 141 học viên được Học viện Tư pháp công nhận đủ điều kiện cấp chứng chỉ bồi dưỡng. Trong đó có 1 học viên được xếp loại xuất sắc; 47 học viên được xếp loại giỏi; 10 học viên được khen thưởng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò nhờ chất lượng nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.