Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm, làm việc tại tỉnh Vĩnh Long

Lê Hương| 15/09/2014 15:02

(HNMO) - Ngày 15-9, Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đầu đã thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Long...


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và các thành viên trong đoàn đến dâng hương tại Khu tưởng niệm nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại huyện Long Hồ.


Các đồng chí UVTV Thành ủy Hà Nội: Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Đào Đức Toàn, Chánh Văn phòng Thành ủy; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố, lãnh đạo một số sở, ngành cùng đi. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp và làm việc với đoàn. Đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng dự.

Buổi làm việc diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, thân tình, cởi mở trên tinh thần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Thủ đô với tỉnh Vĩnh Long đồng thời trao đổi kinh nghiệm công tác và hợp tác cùng phát triển trên các mặt kinh tế - xã hội. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Trần Văn Rón, UVTV, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với diện tích hơn 1.487 km2, hơn 1 triệu dân, 8 đơn vị hành chính (6 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, giữa dòng Tiền Giang và Hậu Giang, nối liền hai dòng sông lớn theo hướng Bắc Nam và sông Măng Thít, cùng với mạng lưới sông ngoài chằng chịt đưa Vĩnh Long trở thành đầu mối giao thông nối liền các vùng trong khu vực. Chính đặc điểm địa lý tạo cho Vĩnh Long thế mạnh về nông nghiệp với cây chủ lực là lúa, đạt trên 1 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Vĩnh Long còn có thế mạnh về cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, đóng góp hơn 33% vào GDP của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 2 khu và 1 tuyến công nghiệp thu hút 21 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cùng 25 làng nghề góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Những năm gần đây, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đứng ở tốp 10) thu hút đầu tư. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 223,8 triệu USD. Dù còn là tỉnh nghèo, thu ngân sách hơn 3.700 tỷ đồng (năm 2013), song Vĩnh Long đã coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chỉ riêng năm 2013, toàn tỉnh đã giảm 5.000 hộ nghèo, hiện số hộ nghèo, cận nghèo còn 4,92%. Đảng bộ tỉnh đã chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp bảo đảm chất lượng. Trong quá trình phát triển giai đoạn tới, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long mong muốn cùng với TP Hà Nội tăng cường hợp tác, trao đổi học tập trên mọi lĩnh vực để cùng nhau phát triển.

Thay mặt đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã thông báo với BTV Tỉnh ủy Vĩnh Long về tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Trước tình hình kinh tế khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai đồng các giải pháp, nhờ đó năm 2013, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Hà Nội tăng 8,46% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, thu ngân sách đạt 100,9% dự toán pháp lệnh (hơn 163.000 tỷ đồng). 9 tháng đầu năm 2014, GRDP của Hà Nội ước tăng 7,9%. Trong đó: Nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,8%; công nghiệp, xây dựng tăng 8%; dịch vụ tăng 8,4%. Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2014 là 84.031 tỷ đồng, đạt 66% dự toán (Dự toán thu ngân sách năm 2014 là 126.214 tỷ đồng). Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị được triển khai tích cực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 217,4 triệu đồng/ha. Công tác xây dựng nông thôn mới đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực với 50 xã đạt 19 tiêu chí và 96% diện tích dồn điền, đổi thửa. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm...

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng khái quát tình hình Đảng bộ Thủ đô; kết quả triển khai 9 chương trình công tác lớn và việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc.


Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, tuy xa cách về địa lý, song Thủ đô Hà Nội rất phấn khởi và tự hào vì luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ giúp đỡ của các tỉnh, thành, của nhân dân trong cả nước, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Đó là nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn giúp cho Hà Nội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình. Về phần mình, với trách nhiệm Hà Nội vì cả nước, trong những năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Hà Nội đã coi trọng việc cử các đoàn công tác của thành phố đi thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm công tác với các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, tăng cường tình cảm gắn bó, sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm và được tham gia đóng góp một phần vào sự phát triển chung của các địa phương và đất nước.

Đồng chí Phạm Quang Nghị bày tỏ niềm vui trước sự phát triển đổi thay, đi lên từng ngày của tỉnh Vĩnh Long - một địa phương giàu truyền thống cách mạng, kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày nay tiếp tục kiên cường và sáng tạo trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; chăm lo đời sống của nhân dân.

Cùng với sự hội nhập, phát triển chung của cả nước, nhu cầu giao lưu, hợp tác phát triển là xu thế tích cực, qua đó các tỉnh, thành phố, các đơn vị tranh thủ và phát huy tối đa các nguồn lực của mình cũng như các nguồn lực từ bên ngoài. Với tinh thần đó, thông qua chuyến công tác này, lãnh đạo TP Hà Nội mong muốn được trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Vĩnh Long trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Trên cơ sở đó thắt chặt tình cảm giữa hai địa phương, đồng thời tăng cường liên kết trên lĩnh vực thương mại, hợp tác đầu tư. Sau hội nghị này, căn cứ điều kiện thực tế, hai bên phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng dẫn, tạo điều kiện khuyến khích để các doanh nghiệp khai thác và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa mà hai địa phương có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản nông - lâm - thủy - sản. Về lĩnh vực văn hóa, du lịch: Hà Nội và tỉnh Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nhiều tiềm năng về du lịch. Do vậy, giữa hai địa phương có thể hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý các di tích, lễ hội, các hoạt động dịch vụ văn hóa; quảng bá, tuyên truyền tiềm năng thế mạnh về du lịch, phối hợp xây dựng và tổ chức các tour du lịch trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Hai bên khuyến khích và tạo điều kiện để các lãnh đạo hai địa phương thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trên các lĩnh vực công tác.


Nhân dịp này, TP Hà Nội hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long một công trình phúc lợi xã hội, trị giá 10 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố và 5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ xã hội hóa.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Vĩnh Long, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và các thành viên trong đoàn đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại huyện Long Hồ và Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm. Trân trọng viết vào sổ lưu niệm của hai khu tưởng niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm, làm việc tại tỉnh Vĩnh Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.