Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hà Nội - tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết, hợp tác các lĩnh vực

Lê Hương| 20/09/2014 17:59

(HNMO) - Tiếp tục chuyến thăm, làm việc với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiều 20-9, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các thành viên đoàn đại biểu TP Hà Nội đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu.



Trước khi làm việc chính thức, đoàn đã dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi; viếng các liệt sĩ ở Tượng đài sự kiện Mậu thân 1968; thăm một số di tích lịch sử, văn hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhà kính của Công ty Hải Nguyên (Bạc Liêu).


So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Bạc Liêu có thế mạnh đặc biệt về nuôi trồng thủy sản, với sản phẩm chủ lực là tôm xuất khẩu. Toàn tỉnh có 226 nghìn ha nuôi tôm, trong đó có 15.000 ha nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Để khai thác lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nói riêng, nuôi tôm nói riêng, đồng thời duy trì hoạt động 1.320 phương tiện khai thác và đánh bắt (trong đó có 505 tàu cá đánh bắt xa bờ). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, nâng tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản đạt gần 280 nghìn tấn/năm, trong đó sản lượng tôm là 75.943 tấn. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh bình năm 2013 đạt 400 triệu USD và năm 2014 ước đạt kim ngạch 407 triệu USD.

Đặc biệt, qua hai mô hình đoàn tham quan đã khẳng định hướng đầu tư đúng đắn cũng như những chính sách của tỉnh đã phát huy hiệu quả trong cuộc sống, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, từng bước xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên, với quy mô 10 ha mặt nước hiện đã năng suất bình quân từ 150 đến 200 tấn/ha/năm. Đặc biệt, Tập đoàn Việt Úc đã đầu tư 30 ha mặt nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về nuôi tôm sinh sản để cung cấp mỗi năm 15 tỷ con tôm giống cho các hộ nuôi. Hiện, doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư triển khai 7 điểm sản xuất tôm giống, dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào sản xuất, cung cấp khoảng 40 tỷ con giống cho các vùng nuôi tôm cả nước, đáp ứng 40% nhu cầu về con giống chất lượng cao. Đánh giá cao quyết tâm ”Nâng tầm con tôm Việt” của Tập đoàn Việt Úc, đưa Việt Nam giữ vững vị trí tốp 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đồng chí Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, chiến lược kinh doanh bài bản, kết hợp giữa công nghệ mới, hiện đại với xây dựng thương hiệu, liên kết chặt chẽ với người chăn nuôi không chỉ đem lại kết quả nổi bật về kinh doanh cho doanh nghiệp mà còn góp phần đưa con tôm Việt Nam có mặt ở vị trí nổi bật trên bản đồ ngành tôm thế giới. Bày tỏ niềm tự hào về kết quả mà các doanh nghiệp nuôi tôm đạt được, đồng chí Phạm Quang Nghị tin tưởng, ngành nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu nói riêng, của Việt Nam nói chung sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chia sẻ với ước vọng thành công của doanh nghiệp, mong muốn Tập đoàn Việt Úc tiếp tục phát triển, làm chủ được nguồn cung cấp con giống cho ngành nuôi tôm cả nước.


Ngoài thế mạnh nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu còn là quê hương của môn nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Trong định hướng phát triển của mình, tỉnh Bạc Liêu đã xác định mục tiêu ”Bạc Liêu đi lên từ văn hóa ”. Theo đó, tỉnh tập trung khai thác và phát huy tối đa tiềm năng văn hóa - nghệ thuật đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hóa. Tỉnh cũng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, nằm trong dự án Trung tâm Điện gió đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai xây dựng dự án Nhà máy Điện gió, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 10 trụ turbine (công suất 16MW), chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện nay, dự án tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 với 52 trụ turbine, công suất 83,2MW và trong tháng 10 sẽ xây dựng tiếp 20 turbine, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Trong tương lai gần, tỉnh sẽ mở rộng quy mô, với tổng số 300 trụ turbine, tổng công suất 485 MW. Dự án Nhà máy Điện gió triển khai thành công bước đầu đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho Bạc Liêu, vừa tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng GDP vừa tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP, kích thích phát triển du lịch.

Từ những dự án phát triển năng lượng, mô hình chăn nuôi thủy sản đa dạng và sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa, nếu có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Thủ đô, chắc chắn Bạc Liêu sẽ phát huy được thế mạnh của một tỉnh giàu tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng thống nhất giao các ngành chức năng hai địa phương nghiên cứu, sớm cụ thể hóa các nội dung liên kết, hợp tác để khai thác các thế mạnh mỗi địa phương, cùng phát triển.


Dịp này, TP Hà Nội hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu 5 tỷ đồng.

Ngày 21-9, đoàn lãnh đạo TP Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Cà Mau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hà Nội - tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết, hợp tác các lĩnh vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.