Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: Bao giờ mới đạt yêu cầu?

Phong Thu| 23/09/2014 05:55

(HNM) - Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đã được chú trọng trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Bảo Kha


Khi kết thúc Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng CBCCVC đã không đạt yêu cầu. Trước thực tế đó, nội dung này tiếp tục được đưa vào Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức". Trên cơ sở đó, nhiều kế hoạch, chương trình của Chính phủ, các bộ, ban, ngành nhằm đẩy mạnh thực hiện đề án đã được phê duyệt. Những vướng mắc về thể chế quản lý CCVC từng bước được tháo gỡ, hoàn thiện. Cụ thể là năm 2013 đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được ban hành. Bên cạnh đó, công tác đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; công tác nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức... cũng được tập trung xây dựng, hệ thống hóa. Như vậy, có thể thấy về cơ bản, cơ sở pháp lý, quy trình chỉ đạo, điều hành đã khá đầy đủ cho việc thực hiện nội dung nâng cao chất lượng CBCCVC. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện ở các ngành và các địa phương có nhiều hạn chế nhất định. Rõ nhất là các cơ quan, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CCVC.

Theo tổng kết của Bộ Nội vụ, năm 2013 mới có 15 tỉnh, thành phố đã có đề án cơ cấu công chức theo vị trí việc làm hoặc đề án cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm. Tương tự, hiện cũng chưa nhiều địa phương thực hiện nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và tuyển dụng, xây dựng phần mềm thi tuyển cũng mới được thực hiện ở một số nơi như Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng mới có Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... triển khai. Chính việc thực hiện không đồng đều ở tất cả 63 tỉnh, thành phố đã khiến chỉ số trung bình của lĩnh vực này vẫn tiếp tục ở mức thấp nhất.

Số liệu điều tra xã hội học ở cấp tỉnh có tới 43% người dân và 40% doanh nghiệp được điều tra đánh giá thái độ phục vụ của công chức và chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức trung bình, thấp. Qua điều tra xã hội học, có 27,3% số người được hỏi cho rằng năng lực chuyên môn của đội ngũ CBCC của Ủy ban Dân tộc có chất lượng trung bình. Thế nhưng, chính những đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2013 lại chưa nhận thấy những điểm hạn chế của mình nên tự chấm điểm cho mình rất cao. Cụ thể, Ủy ban Dân tộc tự chấm điểm lĩnh vực đội ngũ CCVC đạt 9,75 điểm, trong khi đó điểm do Hội đồng thẩm định chấm chỉ đạt 5 điểm. Hay như tỉnh Sơn La, điểm tự chấm đạt 10 điểm, nhưng điểm thẩm định chỉ đạt 2,25 điểm.

Kết quả chỉ số thành phần về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC cho thấy nội dung này chưa đạt yêu cầu đề ra, trong khi đó, thời gian thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 không còn nhiều. Điều này đòi hỏi các bộ, các tỉnh cần quan tâm triển khai các giải pháp mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là xây dựng cơ cấu công chức theo vị trí việc làm, đổi mới công tác quản lý đội ngũ CBCCVC để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả" như mục tiêu của Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" mà Chính phủ đã ban hành.

Trong 8 chỉ số thành phần của cấp tỉnh thì chỉ số thành phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đạt chỉ số thấp nhất (62,26%). Ở chỉ số thành phần này, TP Đà Nẵng đạt cao nhất cả nước cũng chỉ là 78,76%, còn Sơn La có kết quả 38,14% là tỉnh xếp thứ 63 trong các tỉnh, thành phố. Ở cấp bộ, chỉ số thành phần lĩnh vực này cũng thấp nhất trong 7 chỉ số thành phần (58,67%). Trong đó, Bộ Nội vụ đạt cao nhất (88,30%), thấp nhất là Bộ TT-TT (45,27%). Bộ Nội vụ đạt điểm số cao ở tiêu chí xác định cơ cấu CCVC theo vị trí việc làm, song 18 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại không đạt điểm số nào ở xác định tiêu chí cơ cấu công chức theo vị trí việc làm. Ở tiêu chí tuyển dụng và bố trí sử dụng CCVC, Bộ Nội vụ đạt điểm tối đa, song 18 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại chỉ đạt 50% số điểm ở tiêu chí này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: Bao giờ mới đạt yêu cầu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.