Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống bức cung, nhục hình: Cơ chế nào để kiểm soát hiệu quả?

Hà Phong| 23/09/2014 06:02

(HNM) - Làm thế nào để chống hành vi bức cung, nhục hình là vấn đề dư luận, giới luật sư, ngành chức năng đang đặt ra và đề xuất nhiều giải pháp, nhưng thực tế hiện nay cho thấy, việc triển khai cơ chế kiểm soát tình trạng bức cung, nhục hình không phải là chuyện một sớm một chiều.



Làm thế nào để chống hành vi bức cung, nhục hình là vấn đề dư luận, giới luật sư, ngành chức năng đang đặt ra và đề xuất nhiều giải pháp, nhưng thực tế hiện nay cho thấy, việc triển khai cơ chế kiểm soát tình trạng bức cung, nhục hình không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ngày 18-9, TAND TP Hà Nội đã tuyên 4 công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) đánh chết nghi phạm lĩnh tổng mức án 49 năm tù. Ảnh: Minh Châu/Tuổi trẻ


Trọng chứng hơn trọng cung

Số liệu mới nhất do Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa công bố tháng 9 này cho thấy, ba năm gần đây, Cục Điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố 26 vụ/40 bị can về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 19 bị can nguyên là cán bộ, điều tra viên bị cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố điều tra về tội dùng nhục hình; có hai bị can bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trong số các vụ án tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý thì tội dùng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2011 thụ lý 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo.

Lý giải hiện tượng trên, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn nhận định, mỗi năm, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý trên dưới 100.000 vụ phạm pháp hình sự. Việc đấu tranh, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo để xử lý nghiêm minh trước pháp luật là công việc rất khó khăn, thậm chí có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của những người thi hành công vụ. Xuất phát từ động cơ "thành tích" một số cán bộ đã bức cung để có lời khai, nhưng chưa phát hiện những tiêu cực đằng sau việc bức cung, nhục hình.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong:

Số vụ dùng nhục hình bị đưa ra xử lý có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi tội bức cung, nhục hình xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu trong giai đoạn tiền khởi tố, bị tạm giữ, bắt quả tang, khẩn cấp. Nhiều trường hợp sau khi truy tố, xét xử mới xuất hiện tố cáo.

Về phía Bộ CA, Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu quan điểm, quá trình đào tạo cán bộ điều tra viên, Bộ CA luôn nhấn mạnh nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung", "suy đoán vô tội". Song do nôn nóng khám phá bản chất sự việc, điều tra viên có thể vi phạm, nhục hình, bức cung. Cũng theo ông Lê Quý Vương, tại các trại tạm giam, việc đặt thiết bị ghi hình được đặt ra từ năm 1999, nhưng cơ bản hiện đang xuống cấp, phải thay thế, sửa chữa thiết bị. Dữ liệu lưu trữ 2-3 tuần rồi tự động xóa vì đầy bộ nhớ, nên việc trích xuất dữ liệu để lưu trữ làm chứng cứ dùng trong trường hợp cần thiết cũng đang được tính đến. Việc quản lý hệ thống này lại thuộc các đội kiểm soát an ninh của các trại tạm giam, không liên quan đến hệ thống điều tra.

Thiếu lộ trình bài bản

Quan điểm của lãnh đạo hai ngành tòa án, CA là dẫn chứng điển hình giải thích vì sao ngăn chặn bức cung không đơn giản và rõ ràng đang thiếu lộ trình bài bản, quy mô để có thể triển khai ngay. Trong khi đó, sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan, đang được giải quyết bồi thường, có nhiều đơn kêu oan gửi đến liên ngành CA, kiểm sát, tòa án. Hiện, các cơ quan tố tụng đang xem xét giải quyết đơn kêu oan của các ông bà Hàn Đức Long và Nguyễn Thị Hằng (tỉnh Bắc Giang), Lưu Văn Diện (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Hùng (Hòa Bình), Ngô Văn Quảng (Hà Nội)… Nhìn tổng thể, việc điều tra những vụ án dạng này chắc chắn không đơn giản vì từng có nhiều vụ bị can tố cáo bị nhục hình nhưng lại xảy ra đã lâu, quay lại tìm ra chứng cứ xử lý thì không còn hoặc rất khó khăn. Vậy, tin vào người tố cáo hay tin điều tra viên?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trả lời câu hỏi này rất khó; cần phải lắp không chỉ thiết bị ghi hình mà cả ghi âm trong các phòng hỏi cung, trại giam. Triển khai việc này có tác dụng kép là: Không để ảnh hưởng đến uy tín của ngành CA (nếu tố cáo sai) và bảo đảm công bằng trong xét xử. "Tôi được biết Bộ CA cho rằng khó khăn về kinh phí chưa thể lo được hết. Nhưng có thể khắc phục, trước mắt nên cho phép bị can, bị cáo được quyền ghi âm ghi hình việc hỏi cung - coi đó là quyền của họ" - bà Lê Thị Nga kiến nghị.

Dù vậy, Thứ trưởng Bộ CA Lê Quý Vương cho rằng, vấn đề quan trọng là phải luật hóa để có cơ sở triển khai toàn diện. Về phía ngành kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong nhận định, lắp máy móc giám sát là cần thiết, nhưng khi đã có mà ý thức tuân thủ pháp luật kém, điều tra viên làm qua loa cho nhanh thì vẫn có thể còn nhục hình. Ông Nguyễn Hải Phong cho biết, tới đây sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ quy định rõ ở đâu oan sai, bỏ lọt tội phạm viện trưởng chịu trách nhiệm; ở đâu có bức cung, nhục hình, thủ trưởng cơ quan điều tra chịu trách nhiệm thì chắc chắn sẽ giảm rất nhiều.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống bức cung, nhục hình: Cơ chế nào để kiểm soát hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.