Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số dự án luật

Hải Hà| 23/09/2014 19:51

(HNM) - Ngày 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn xung quanh dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Dẫn trường hợp vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã trả hồ sơ nhiều lần mà vẫn để xảy ra oan, sai; tình trạng thẩm phán phải báo cáo án với chánh án (tại Hà Nội - PV) báo chí liên tiếp phản ánh trong thời gian qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chánh án TAND Tối cao có biện pháp bảo đảm quy định về tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, trong đó có việc bị can, bị cáo có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư; để xảy ra án oan sai, chủ tọa phiên tòa phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đề nghị tiếp tục giao TAND Tối cao quản lý các TAND các cấp về tổ chức, nhưng cần tách bạch hoạt động quản lý về tổ chức với hoạt động xét xử để bảo đảm công việc quản lý không làm ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của TAND các cấp. Đồng tình với quan điểm phải bảo đảm để thẩm phán độc lập trong xét xử, song Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng đề xuất bổ sung quy định TAND có thẩm quyền điều tra, xác minh chứng cứ (hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ) đối với những vụ án mà VKSND đã truy tố và TAND đã thụ lý để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu TAND phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội mới thì TAND khởi tố vụ án để chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra. Về quyền im lặng của bị can, bị cáo khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn có nhiều quan điểm khác nhau. Phía cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này nhưng giới luật sư lại ủng hộ. Vì vậy, theo Chánh án Trương Hòa Bình, UBTVQH cần cho định hướng về việc này. Đối với thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, các thành viên Ủy ban Tư pháp của QH khẳng định, thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra.

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về các dự án: Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số dự án luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.