Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi sao mai lấp lánh trên trời cao

Doãn Hải| 15/10/2014 16:19

(HNMO) - Ngày nay, giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, có một con đường mang tên Lý Tự Trọng, chạy qua chính nơi người anh hùng 17 tuổi, với tâm hồn yêu nước nồng nàn và ý chí cách mạng kiên cường đã hiên ngang bắn chết tên mật thám Pháp Le Grand.


Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1914, nguyên quán xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều yêu nước phải trốn tránh sự khủng bố của đế quốc, sang ẩn náu ở sống ở Nakhon trên đất Xiêm, bên kia bờ sông Cửu Long.

Tượng đài Lý Tự Trọng.


Năm 1923, Lý Tự Trọng cùng người em tên là Đạt đang học tại ngôi trường Bản Đông do chí sĩ Đặng Thúc Hứa lập nên, thì cảnh sát Thái Lan và mật vụ Pháp đã bao vây và buộc trường phải đóng cửa. Khi ấy Bác Hồ đang hoạt động tại Thái Lan với bí danh là Thầu Chín. Chính Bác Hồ đã chọn lựa Lý Tự Trong và một số thiếu niên ưu tú khác, đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc đào tạo chuẩn bị nhân tài cứu nước. Năm đó Lý Tự Trọng mới 10 tuổi. Ở Quảng Châu, ông học tại trường Tôn Trung Sơn. Ông học rất giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí.

Cũng tại Quảng Châu, Lý Tự Trọng đã thấy các chiến sĩ Cộng sản Trung Quốc bị Quốc dân đảng phản bội bắn chết hàng loạt bên bờ sông Châu Giang sau ngày Công Xã Quảng Châu thất bại. Ông cũng đã cùng với các đồng chí lớn tuổi đi viếng mồ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương. Tấm gương người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái ôm bom vào giết toàn quyền Pháp MecLanh ở Tô giới Pháp sau đó nhảy xuống sông Châu Giang để khỏi sa vào tay giặc, cùng bao gương hy sinh anh dũng của những người cách mạng như càng thổi bùng cháy thêm ngọn lửa lý tưởng và hun đúc ý chí kiên cường quyết đấu tranh cho độc lập và tự do của dân tộc trong lòng người thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng.

Năm 1926, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ với các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu đến cảng Sài Gòn.

Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại quảng trường Lareni ở Sài Gòn, khi Chánh thanh tra mật thám Le Grand định lao tới bắt diễn giả Phan Bôi đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã nhảy ra bắn chết Le Grand để bảo vệ đồng chỉ của mình. Lý Tự Trọng đã bị địch bắt và tra tấn hết sức dã man.

Một ngày cuối xuân 1931, thực dân Pháp đưa Lý Tự Trọng từ bót Catina đến tòa án. Người thanh niên cộng sản mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa để làm diễn đàn lên án bọn thống trị, kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên và đã hành động không có suy nghĩ.

Lý Tự Trọng dõng dạc nói:

- Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi.

Chánh án đã tuyên án tử hình Lý Tự Trọng. Khi hắn hỏi anh có ăn năn gì không, Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt nhìn thẳng phía trước và chỉ nói một câu: "Không ăn năn gì cả!"

Ở trong xà lim án chém khám lớn Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Những ngày đó Lý Tự Trọng còn làm bạn với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du bằng tâm hồn trong sáng tràn ngập lòng yêu đời...

Mọi chi tiết về người tù án chém "Trọng con" được những tên gác ngục, tên chủ khám truyền ra ngoài với một lòng cung kính, khâm phục: "Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém".

Lý Tự Trọng yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí của mình, anh càng yêu cuộc sống, sống trọn vẹn những năm tháng ngắn ngủi của đời mình không hề lãng phí, không để mầm bi quan len lỏi vào tâm hồn mình mặc dù biết mình sắp bị giặc đem hành hình. Bọn thực dân tìm cách lung lạc ý chí gang thép của anh, nhưng tất cả những lời dụ dỗ của chúng đều bị anh đánh bại.

Một nhà báo nước ngoài có tên là Angđơrê Viôlít đã viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng như sau: "Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu "Việt Nam! Việt Nam!".

Năm đó Lý Tự Trọng mới 17 tuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn khiến từ đó cai ngục tại đây luôn gọi Lý Tự Trọng là "Ông Nhỏ”.

Anh hùng Lý Tự Trọng là người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên của chúng ta. Tên anh mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam, đúng như lời một bài hát ca ngợi tuổi trẻ anh hùng và lý tưởng cao cả của người thanh niên cộng sản kiên cường đó:

“Muôn đời sau Lý Tự Trọng còn như ngôi sao mai lấp lánh trên trời cao…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngôi sao mai lấp lánh trên trời cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.