Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường giám sát, xử lý dứt điểm các sai phạm

Hà Phong| 20/10/2014 06:14

(HNM) - Hàng loạt bất cập trong công tác xây dựng thể chế, giáo dục đào tạo, giao thông, đô thị; đặc biệt hiện tượng tắc vốn vì ngân hàng chưa đặt niềm tin vào doanh nghiệp… là những vấn đề được cử tri TP Hà Nội gửi đến Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Rõ trách nhiệm trong giám sát

Một điểm đáng lưu ý là trong số 31 ý kiến, kiến nghị của cử tri Hà Nội với Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ, có khá nhiều nội dung tương đồng với nguyện vọng của cử tri nhiều tỉnh, thành phố khác, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật. Phần đông ý kiến cho rằng việc hoàn thiện thể chế đáng lẽ phải tốt hơn nếu từng bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng luật theo quy trình chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đi sâu vào góp ý từng luật cụ thể, cử tri quận Cầu Giấy đề nghị Quốc hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội. Thực tế hiện nay, đại biểu kiêm nhiệm vẫn chiếm số lượng lớn nên nhiều người không có thời gian tham gia hoạt động do các ủy ban, hội đồng tổ chức. Việc thực hiện nhiệm vụ dân cử có lúc được coi như là công việc phụ vì việc giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác chiếm quá nhiều thời gian. Vì thế việc tăng thêm tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm tăng thời gian cho đại biểu thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định là rất cần thiết.

Liên quan đến hoạt động giám sát, cử tri đề nghị Quốc hội quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan phải giải quyết các kiến nghị sau giám sát và chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết của mình; tăng cường công tác giám sát tối cao các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội… Trong đó làm rõ trách nhiệm tập thê, cá nhân người đứng đầu cơ quan tổ chức nếu để xảy ra sai phạm.

Tăng thời gian chất vấn

Cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng thời gian chất vấn người đứng đầu Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ. Đáng chú ý là quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo còn cho thấy nhiều bất cập hoặc gây nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận. Với lĩnh vực tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần làm rõ hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo cử tri huyện Hoài Đức, tín dụng chỉ thực sự tăng trưởng nếu kinh tế vĩ mô phát triển ổn định và "sức khỏe" doanh nghiệp khá hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn tắc do các ngân hàng e ngại về "sức khỏe" của doanh nghiệp. Các phản ánh cho thấy, để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tín chấp. Thế nhưng vay vốn không cần tài sản thế chấp vẫn là hành trình gian nan với số đông doanh nghiệp. Thực tế có trường hợp tài sản thế chấp lớn hơn nhiều lần số vốn vay nhưng doanh nghiệp vẫn phải thuê một đơn vị độc lập thẩm định giá trị tài sản, dẫn đến phát sinh chi phí và thời gian.

Xử lý nghiêm những sai phạm


Một vấn đề được không chỉ cử tri Hà Nội mà cử tri cả nước quan tâm là khám chữa bệnh. Nỗi vất vả, phiền hà và tốn kém của người dân nhiều khi đến từ những chuyện tưởng chừng "vụn vặt" như thủ tục hành chính rườm rà, thái độ đón tiếp thiếu nhiệt tình, loạn giá dịch vụ. Theo quy định hiện hành người bị bệnh nặng trước tiên cũng phải điều trị theo tuyến, khi được lên tuyến trên thì bệnh từ nặng đã chuyển thành quá nặng, vừa khó khăn trong việc khám, chữa bệnh và tốn kém cho gia đình bệnh nhân.

Với lĩnh vực giao thông, cử tri lo ngại trước thông tin nhiều dự án bị đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém, điển hình là hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Cử tri cho rằng, đây là biểu hiện về năng lực quản lý, có dấu hiệu đặt lợi ích cá nhân lên trên chất lượng công trình. Cử tri đề nghị Chính phủ phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể sai phạm.

Cử tri cũng có một số kiến nghị riêng với UBND TP Hà Nội. Yêu cầu đáng lưu ý nhất là chỉ đạo ngành giáo dục phải có chế tài mạnh hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm "núp bóng" dưới hình thức tự nguyện đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn.

Nhằm sớm giải quyết những bất cập tồn tại, các ý kiến cử tri còn đề nghị các cấp các ngành từ TƯ đến địa phương cần tập trung công tác đào tạo bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là tuyến cơ sở; tăng cường tái giám sát các lĩnh vực "nóng"... Về lâu dài, các chính sách, đặc biệt về y tế, tín dụng, cần lưu tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động trực tiếp và gián tiếp để lợi ích của chính sách được san sẻ đồng đều cho mọi người.

Bệnh viện Việt - Đức thu tiền với cam kết không được kiện?

Cử tri huyện Mỹ Đức phản ánh, tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế ngoài các khoản phải nộp theo quy định thì trước khi mổ phải nộp 4 triệu đồng. Trong đó 2 triệu đồng có phiếu thu kèm theo bản cam kết bệnh nhân không được kiện bệnh viện về khoản thu này, khoản còn lại 2 triệu đồng không có biên lai, giấy tờ chứng nhận bệnh nhân đã nộp tiền.

(
Trích báo cáo số 206/BC-ĐĐBQH của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp ý kiến cử tri gửi Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII).


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát, xử lý dứt điểm các sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.