Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến tới có thể hạn chế ủy quyền lập pháp

Hưng Thịnh| 20/10/2014 17:31

(HNMO)- Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác.

Trong số đó, theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).

Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, tuyệt đại đa số ý kiến đều thống nhất là cần đơn giản hóa hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật dễ tiếp cận, dễ áp dụng, dễ tuân thủ... Trên cơ sở đó, dự thảo Luật không quy định hình thức nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng kiểm Nhà nước cần căn cứ quy định của Hiến pháp năm 2013 về phân công thực hiện quyền nhà nước; về tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, hạn chế ủy quyền lập pháp để từ đó xác định văn bản nào là văn bản pháp luật, góp phần tinh giảm hệ thống văn bản pháp luật. Từ đó, dự thảo Luật không quy định việc ban hành thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định của Tổng kiểm Nhà nước.

Thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện và cấp xã.

Phương án 2: Quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình, nhưng phải được chính quyền cấp trên trực tiếp phê duyệt.

Tuyệt đại đa số ý kiến đều cho rằng, việc tách quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, trong đó tập trung làm tốt việc phân tích, đề xuất xây dựng, thông qua chính sách là một sự đổi mới cần thiết và là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật, của cả hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng pháp luật.

Có thể hạn chế ủy quyền lập pháp để từ đó xác định văn bản nào là văn bản pháp luật, góp phần tinh giảm hệ thống văn bản pháp luật


Dự thảo Luật quy định tách bạch giữa giai đoạn xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo văn bản. Theo đó, giai đoạn xây dựng chính sách được áp dụng đối với 4 loại văn bản (luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh) được thực hiện trước khi soạn thảo.

Dự thảo Luật bỏ quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ của Quốc hội, chỉ giữ lại chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Dự kiến, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm sẽ được lập trên cơ sở mức độ chuẩn bị kỹ về chính sách pháp luật trong các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình. Khi xem xét, thông qua dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Quốc hội cũng đồng thời cho ý kiến về chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Về tên gọi của dự án Luật: Theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XIII năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự án Luật này có tên gọi “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy, Hiến pháp có 38 điều sử dụng cụm từ “pháp luật”, 2 điều quy định về “văn bản pháp luật” và 7 điều quy định về “văn bản” mà không sử dụng cụm từ “văn bản pháp luật”.

Với phạm vi điều chỉnh như trên, Chính phủ đề xuất đổi tên dự án Luật thành “Luật Ban hành văn bản pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới có thể hạn chế ủy quyền lập pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.