Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu quy định pháp luật: Khó xử lý tham nhũng

Phong Thu| 24/10/2014 06:16

(HNM) - Các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; xử lý sau thanh tra; chồng chéo trong thanh tra… dư luận quan tâm đã được đại diện Thanh tra Chính phủ làm rõ.

Hiệu quả phòng ngừa còn hạn chế

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện 6 vụ, 12 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1.362 triệu đồng (đã thu hồi 1.319 triệu đồng, đạt 96,8%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 4 vụ, 8 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng.

Họp báo thường kỳ quý III-2014 của Thanh tra Chính phủ sáng 23-10. Ảnh: Minh Quang/Tuổi trẻ


Về khó khăn, thách thức trong công tác PCTN, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển, khẳng định: Bên cạnh những mặt đạt được (về đơn giản thủ tục hành chính, về hoàn thiện thể chế…) cũng còn những khó khăn. Đó là những quy định pháp luật liên quan công tác PCTN hiện nhiều điểm còn thiếu nên gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, các mảng liên quan quản lý xã hội quá rộng, tác động tới nhiều lĩnh vực nên việc rà soát, đánh giá có độ trễ nhất định, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản còn chồng chéo.

Ông Tuyển cũng cho biết một số nguyên nhân khác như: Một số cơ quan chuyên trách chưa mang tính độc lập; sự phối hợp giữa các cơ quan trong đánh giá chứng cứ tội phạm của các cơ quan tố tụng còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là đội ngũ giám định yếu, thiếu và tính chuyên nghiệp không cao; thiếu chế định bắt buộc các cơ quan tham gia giám định. Chưa kể, tội phạm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn - đây là nhóm người có hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng và liên hệ với nhau trở thành nhóm lợi ích, vì vậy việc phát hiện cũng rất khó khăn. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên ý thức thực hiện PCTN còn thấp, tinh thần chưa cao.

Dẫn chứng báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII về công tác PCTN năm 2014 cho thấy, trong tổng số gần 1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập thì chỉ có 5 trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, trong đó có 1 trường hợp được xác định là kê khai không trung thực. Báo giới đặt câu hỏi: "Thanh tra Chính phủ có tin số liệu đó không?". Ông Phí Ngọc Tuyển trả lời: "Từ khi đặt ra việc kê khai tài sản đã đặt ra câu hỏi là kê khai có đúng không. Chúng ta đã trải qua thời kỳ hoàn thiện chính sách từ năm 2007 đến nay và nhiều lần sửa đổi quy định về kê khai. Các lần đều hướng tới giải quyết bài toán kê khai sao cho trung thực. Thực tế hiện nay, Thanh tra Chính phủ vẫn được Chính phủ giao tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để bảo đảm việc kê khai tốt hơn. Do đó, số liệu này chưa thể coi là trung thực được. Vấn đề này còn đang tiếp tục giải quyết".

Ông Tuyển cũng cho biết, có 3 nhóm giải pháp về phòng ngừa tham nhũng (nhóm 1: Tương đối có hiệu quả; nhóm 2: Trung bình; nhóm 3: Hiệu quả không cao) thì kê khai tài sản hiện nằm ở nhóm 3. Tuy nhiên, ông cho rằng: Con số mà chúng ta nêu được là con số kê khai cuối năm 2013, chưa thể hiện hết quy định mới của luật năm 2012 (do giữa chính sách và thực tiễn luôn có độ trễ nhất định); vì vậy, tin tưởng là trong tương lai sẽ có hiệu quả tốt hơn trong công tác PCTN. Còn theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng: "Chỉ có 5 người trong số gần 1 triệu người phải xác minh là quá ít. Chúng tôi cũng băn khoăn về con số đó. Tuy nhiên, theo quy định, thẩm quyền xác minh thuộc về người có thẩm quyền quản lý cán bộ. Phải chăng, thời gian tới nên tính lại chủ thể xác minh để bảo đảm tỷ lệ xác minh nhiều hơn". Ông Trần Đức Lượng khẳng định thêm: Chúng ta đã có những bước tiến, từ kê khai tiến tới xác minh rồi tiến thêm bước nữa là phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Nhiều chuyên gia nhận xét, nước ta tiếp cận tương đối nhanh, nhưng vấn đề là phải quản lý như thế nào.

Tăng cường phối hợp thanh tra

Thừa nhận có tình trạng chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh: Đã đến lúc cần có giải pháp kịp thời. Chính vì thế, thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ với tư cách là quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra đã thực hiện một loạt biện pháp rất quyết liệt, cụ thể như các bộ, ngành TƯ và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra đã xây dựng các quy chế phối hợp với Ủy ban Kiểm tra TƯ, Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước… Theo ông Ngô Văn Khánh, nội dung mới trong năm nay đang triển khai là có sự phối hợp với các bộ, ngành trong các cuộc thanh tra nhằm phát huy được chức năng của các bộ, ngành và thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ, đồng thời, tránh được phiền hà, khó khăn cho các đối tượng được thanh tra, kiểm tra.

Trước băn khoăn của báo giới về hạn chế trong xử lý sau thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh: Trong một thời gian dài, toàn ngành đã cố gắng khắc phục và thời gian gần đây đã có sự chuyển biến rất rõ trong thực hiện các kết luận sau thanh tra. "Vừa rồi, chúng tôi đi kiểm tra 8 tỉnh và 3 bộ, ngành, kết quả cho thấy công việc này đang đi vào nền nếp và tiếp tục phát huy hiệu quả" - ông Khánh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy định pháp luật: Khó xử lý tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.