Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung vào tội phạm ma túy, tham nhũng

H.Vân| 25/10/2014 15:54

(HNMO) – Chiều 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của ngành công an, tòa án, viện kiểm sát về phòng, chống, xử lý tội phạm.


Đánh giá chung về việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, các đại biểu cho rằng, các báo cáo của cả ba ngành trình Quốc hội nghiêm túc, phản ánh được các mặt công tác. Cả ba ngành đã thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận xét, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn phức tạp, nhất là tội phạm về mạng, công nghệ cao, tham nhũng, kinh tế, đánh bạc… Nguyên nhân chủ yếu do quản lý nhà nước chậm phát hiện những vấn đề mới nảy sinh; vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện tội phạm còn hạn chế; tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể, thất nghiệp gia tăng làm nảy sinh nhiều tình hình phức tạp; tội phạm có bước phát triển mới, có mối quan hệ trong- ngoài chặt chẽ…

Vì vậy, để khắc phục tình hình này, Nhà nước cần quan tâm đào tạo nghề, quản lý hộ tịch, hộ khẩu; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm theo hướng tăng cường giám sát; nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân… Một số đại biểu đề nghị đưa việc xử lý sai phạm tại các cơ quan vào tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cán bộ đứng đầu.

Cùng tham gia phân tích nguyên nhân của tình trạng điều tra, truy tố xét xử nhiều vụ việc còn chậm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cho rằng, có một phần nguyên nhân do giám định. Cải cách tư pháp đòi hỏi phải có chứng cứ, vì vậy, việc giám định pháp y, tâm thần, thương tích… đều phải tiến hành, mỗi tỉnh đều cần có một trung tâm giám định. Nhưng hiện chúng ta chưa xây dựng đủ các trung tâm giám định, nhiều tội phạm bị bỏ lọt do nhiều bị hại không chịu đi giám định.

Theo đại biểu Phạm Trường Dân - Quảng Nam, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là một trong các công cụ giúp dễ phát hiện tội phạm tham nhũng nhất nhưng hiệu quả phát hiện của các cơ quan này lại chưa cao, còn nặng về xử lý hành chính, chứng tỏ việc xử lý chưa kiên quyết. Đại biểu Dân đề nghị Chính phủ có sự điều chỉnh để việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực sự góp phần phòng chống tham nhũng, tránh tạo dư luận rằng các đơn vị này đã bị “bôi trơn”.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tiếp thu trực tiếp và có giải trình làm rõ thêm một số vấn đề. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung vào tội phạm ma túy, tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.