Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó đánh giá nếu quy định 3 mức tín nhiệm

Vân An| 20/11/2014 16:59

(HNMO) – Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), dự thảo quy định trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa đầy đủ. Theo đại biểu, người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai đầy đủ về tài sản, thu nhập cá nhân của mình.

“Quy trình lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai, báo cáo tài sản, thu nhập cá nhân của mình. Người lấy phiếu phải kê khai đầy đủ, trung thực việc này”, đại biểu Dân nói.

Đại biểu Dân cũng tán thành quy định những người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm, nhận được quá 50% tín nhiệm thấp có thể xin từ chức.

Trong khi đó, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế) cho rằng, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không phải nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND, mà là nâng cao chất lượng của bộ máy nhà nước.

“Nếu ai đó bị một nửa tổng số đại biểu Quốc hội không tín nhiệm thì nghiễm nhiên bị bãi miễn. Dự thảo nên bổ sung quy định phải từ chức khi không đủ phiếu tín nhiệm”, đại biểu Mạo nói.



Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Quốc hội, HĐND nên tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Quá trình giãn thời gian như vậy sẽ giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

“Lấy phiếu lần hai như là tái giám sát để xem những người nằm trong đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và triển khai nhiệm vụ đến đâu”, đại biểu Hà nói.

Đại biểu Hà cũng đề nghị, dự thảo chỉ nên quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm là: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Quan điểm của đại biểu Hà nhận được sự tán thành từ đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh), Bùi Thị An (Hà Nội)…

“Cá nhân tôi và đông đảo cử tri đồng tình 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm để kết quả đánh giá rõ ràng hơn”, đại biểu Dung nói.

“Nhiều cử tri cũng mong muốn để 2 mức đánh giá tín nhiệm, để 3 mức như hiện nay rất khó đánh giá. Một đồng chí có 50% tín nhiệm cao, 50% tín nhiệm thấp với một đồng chí có 1/3 tín nhiệm cao, 1/3 tín nhiệm và 1/3 tín nhiệm thấp thì không biết ai hơn ai”, đại biểu An băn khoăn.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó đánh giá nếu quy định 3 mức tín nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.