Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn trách nhiệm với phân cấp

H.Vân| 21/11/2014 16:27

(HNMO) - Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật tổ chức chính phủ. Các đại biểu băn khoăn nhiều về cơ chế phân nhiệm trong dự luật chưa rõ ràng.


Tuy nhiên, điều mà nhiều đại biểu băn khoăn là dự luật chưa quy định rõ về cơ chế phân nhiệm.

Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh, Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh, Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu cho rằng, tồn tại lớn nhất trong cải cách hành chính ở nước ta hiện nay là không rõ chế độ phân nhiệm, thế nhưng dự luật lại chưa khắc phục được thiếu sót này.

“Ví dụ, đại biểu Quốc hội chất vấn về hàng giả ở địa phương thì lỗi của ai, Chính phủ hay địa phương? Bộ y tế ban hành chính sách về y tế, còn trách nhiệm tiêm phòng là của cấp nào?… Luật phải làm rõ, nếu không chúng ta không thể cải cách hành chính và chồng chéo liên tục”, đại biểu Lịch nói.

“Nếu chúng ta không xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương thì tình trạng trốn tránh trách nhiệm vẫn sẽ tồn tại. Chúng ta phải gắn trách nhiệm với phân cấp”, đại biểu Thoại nói.

Cũng theo đại biểu Thoại, dự luật chưa có quy định về trách nhiệm người đứng đầu cấp dưới phải tuân thủ, chấp hành ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp trên cũng như các chế tài xử lý trong trường hợp cấp dưới không tuân thủ cấp trên.

Theo đại biểu Lê Bộ Lĩnh – An Giang, sự chồng chéo trách nhiệm còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực được phân cấp cho nhiều bộ, như ngân sách, phòng chống thiên tai…; sự phối hợp liên bộ không tốt lại phải lập nhiều ban chỉ đạo để thực hiện các công việc liên ngành; một số lĩnh vực như hạ tầng, các vùng kinh tế… lại không có cơ quan thống nhất quản lý… Những bất cập này cần được nghiên cứu, đánh giá và khắc phục trong luật.



Các đại biểu của Hà Nội gồm: Trịnh Ngọc Thạch, Trần Thị Quốc Khánh, Đinh Xuân Thảo Đinh Xuân Thảo – Hà Nội chung nhận xét, các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ cần được sắp xếp lại bởi nó chưa phù hợp với đặc thù của Chính phủ là vừa làm việc theo chế độ tập thể, vừa có trách nhiệm cá nhân.

“Dự luật chưa rõ phân cấp, phân quyền theo chiều dọc, mới chủ yếu theo chiều ngang. Tôi đồng tình không quy định rõ tên từng bộ vào luật nhưng cần có dự liệu trước”, đại biểu Thảo nói.

Về việc bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN với các bộ, cơ quan ngang bộ, đại biểu Vũ Viết Ngoạn – Khánh Hòa cho rằng, trong một luật khác có liên quan vẫn quy định bộ, cơ quan ngang bộ được thanh tra, kiểm tra, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, như vậy chính là thực hiện chức năng đại diện, vậy có mâu thuẫn không?

“Từ nay đến khi luật tổ chức Chính phủ mới được đưa vào thi hành mà chúng ta chưa xây dựng được mô hình cơ quan đại diện vốn nhà nước thì sẽ như thế nào, có tạo ra khoảng trống về luật không? Rồi chúng ta giao Chính phủ mà tới đây Chính phủ lại phân giao các bộ thì quan điểm trên có thành hiện thực hay không? Tôi đề nghị Quốc hội nên có nghị quyết đề cập đến quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngay tại kỳ họp này nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ thực thi một nhiệm vụ khó, thể hiện rõ tính đồng bộ khi thiết kế luật của cơ quan lập pháp”, đại biểu Ngoạn nói.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh – Phú Thọ nhận xét, việc dự luật xác định vị trí của Chính phủ trong thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân chỉ dừng ở đại diện về vốn là chưa đầy đủ; trách nhiệm của Chính phủ trong việc trình chương trình xây dựng luật ra Quốc hội, trình Chủ tịch nước thăng, giáng hàm cấp tướng trong lực lượng CAND chưa rõ ràng...

Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn trách nhiệm với phân cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.