Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm mới hết chồng chéo, đùn đẩy

Hà Phong| 22/11/2014 06:42

(HNM) - Chiều 21-11, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo luật chưa phân định rõ vị trí, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ,

Quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng

Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa các quy định và tinh thần mới của Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của Chính phủ; khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn về tổ chức hoạt động của Chính phủ. Song, ĐB Lê Bộ Lĩnh (Đoàn An Giang) khẳng định, dự thảo chưa đủ dữ liệu, cơ sở để thực hiện bài bản. Việc cần làm nhất hiện nay là cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc tình trạng có lĩnh vực mà không có cơ quan quản lý và hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… ĐB Lê Bộ Lĩnh dẫn chứng: Việc xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều bộ tham gia nhưng lại không có sự phối hợp, quản lý. Bộ Giao thông - Vận tải làm đường, Bộ Xây dựng xây công trình, Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý môi trường, khiến cho việc làm đường, nước, điện, viễn thông… cứ rời nhau ra. Quản lý dạy nghề cũng có sự chồng chéo giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. "Do sự phối hợp liên bộ không tốt, Chính phủ phải lập ra nhiều ủy ban. Nhưng, cuối cùng không ít vấn đề lại phải tới tay các Phó Thủ tướng, Thủ tướng chỉ đạo mới giải quyết xong"- ĐB Lê Bộ Lĩnh phản ánh.

Công tác quản lý trong lĩnh vực dạy nghề đang có sự chồng chéo giữa hai ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH. Ảnh: Chí Lâm



Cùng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hạn chế lớn nhất của nền hành chính ở nước ta là không rõ ràng về trách nhiệm của bộ máy công vụ, đâu là trách nhiệm của Chính phủ, đâu là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ vấn đề hàng giả, trách nhiệm của ai thì chưa có tiền lệ. Hay, các cơ sở y tế địa phương làm chết người thì trách nhiệm này của chính quyền hay của Bộ Y tế chưa được làm rõ. Muốn khắc phục, cần quy định rõ những quyền của Chính phủ, những phần phân cấp cho địa phương quản lý. "Nguyên nhân của sự bất cập đã rõ và giải pháp cũng vậy. Nếu không mạnh dạn quy định rõ hơn trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quy định rõ cơ chế phối hợp, phân cấp sẽ không thể tránh việc đùn đẩy chịu trách nhiệm như vụ Vinashin trước đây" - ĐB Lò Hải Ươi (Đoàn Lai Châu) khẳng định. Ông yêu cầu Bộ Nội vụ chỉnh sửa luật theo hướng rõ người, rõ việc như các ĐBQH đã đề xuất để đạt mục tiêu xây dựng một Chính phủ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tránh "phình" bộ máy

Trong quá trình xác định các đầu mối trực thuộc Chính phủ, làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Đoàn Phú Thọ) kiến nghị, cần hết sức cân nhắc việc đưa các dịch vụ công trực thuộc Chính phủ vì sẽ làm tăng thêm bộ máy, dễ chồng chéo với các bộ, ngành. ĐB Nguyễn Doãn Khánh cũng đề nghị luật làm rõ thêm mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp. Ở góc nhìn khác, ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cho rằng: "Ngoài việc quy định rõ chức năng chính của các "tư lệnh" ngành còn phải quy định cứng số lượng thứ trưởng, làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và các thành viên. Đồng thời, tách chức năng kinh doanh, đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi hoạt động của các bộ. Vì có bộ đã làm không tốt chức năng tham mưu do phải làm quá nhiều việc khác liên quan tới quản lý vốn. "Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề cập tới việc giảm Thứ trưởng, đưa ra tập thể Chính phủ thì không được thông qua, nên chưa giải quyết được. Do vậy, cần ghi rõ quyền của Thủ tướng Chính phủ, tăng thêm thẩm quyền cho Thủ tướng trong việc này" - ĐB Bùi Thị An nhấn mạnh.

Dẫn việc dự luật giao Thủ tướng ký cả quyết định thành lập trường đại học, trong khi Thủ tướng là người lãnh đạo cấp cao, không phải là người quản lý, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu giao quá nhiều việc thì thời gian đâu ra để Thủ tướng xử lý những việc lớn khác. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng: "Nhiệm vụ của Thủ tướng quá dài, quá chi tiết, chưa kể còn tới hàng trăm quy định khác trong các luật. Cần sắp xếp lại theo hướng Thủ tướng đứng đầu, chỉ đạo các cơ quan hành chính TƯ. Ngoài ra, hiện nay để bổ nhiệm ai, cách chức ai, Thủ tướng mất nhiều thời gian tham khảo ý kiến.

Do vậy, cần quy định rõ ràng những chức danh Thủ tướng có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức".

Để luật có tuổi thọ lâu hơn, ĐB Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) hiến kế: Cần hiểu quyền của Thủ tướng theo hướng, các bộ, ngành chỉ làm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về từng lĩnh vực được giao. Thực tế, Quốc hội thường xuyên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng. Đây là dịp làm rõ bất cập của từng cấp, ngành và có thể bàn phương án khắc phục. "Do vậy, không phải cứ việc khó là đưa lên Thủ tướng để rồi "tư lệnh" mỗi ngành không phải chịu trách nhiệm gì" - ĐB Đinh Xuân Thảo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm mới hết chồng chéo, đùn đẩy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.