Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Không nên nóng vội

Hà Phong| 25/11/2014 06:03

(HNM) - Ngày 24-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức hay không tổ chức HĐND cấp quận, phường…



Tuy nhiên qua thảo luận cho thấy, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn còn băn khoăn, nhất là khi việc nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị chưa được tổng kết, đánh giá toàn diện, cơ chế phân cấp các nhiệm vụ của TƯ, địa phương khó hình dung...

Yêu cầu đặt ra với tổ chức HĐND các cấp là gọn nhẹ, hiệu quả, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Ảnh: Gia Hiếu


Không nên bỏ HĐND

Để tạo cơ chế mở, giúp mô hình chính quyền địa phương không bị dập khuôn máy móc mà có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thiết kế hai phương án về mô hình chính quyền địa phương trình QH thảo luận. Phương án 1: Không tổ chức HĐND ở quận, phường. Ban soạn thảo giải thích, phương án này được xây dựng trên cơ sở báo cáo tổng kết của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội và đề án chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Theo phương án này, chức năng đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường do HĐND thành phố, thị xã thực hiện. Nhưng với tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TƯ, xã, thị trấn sẽ tổ chức cấp chính quyền có HĐND và UBND phù hợp với đặc điểm của 3 địa bàn: nông thôn, đô thị, hải đảo. Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) và nhiều ĐB đề nghị lựa chọn phương án 2: "Nếu bỏ HĐND thì chính quyền không còn của dân, tính đại diện cho cử tri sẽ không rõ. Việc quyết định các vấn đề của địa phương khó bảo đảm tính dân chủ, dễ phát sinh tiêu cực hơn. Do đó, ở đâu có UBND, ở đó nên có HĐND".

Dẫn ra việc thí điểm bỏ HĐND đã triển khai 5 năm nhưng đến nay, vẫn khiến không ít cán bộ, cử tri "lấn cấn về tư tưởng", ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) nêu quan điểm: "Thí điểm không tổ chức HĐND diễn ra quá dài. Từng có ý kiến cho rằng, không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là tốt, là hay, nhưng tôi cho là không phải. Đừng bao giờ quên HĐND là thành quả của nền dân chủ mà tất cả các nước làm. Nhiều nước thậm chí còn chuẩn bị làm nhưng chúng ta lại muốn bỏ. Tôi đề nghị lần thảo luận này là lúc tuyên bố chấm dứt thí điểm và không cần tổng kết nữa".

Chưa rõ nhiệm vụ của từng cấp chính quyền

Tuy nhiên, không phải tất cả các ý kiến phát biểu sau đó đều nhất trí với phương án 2. ĐB Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) không ủng hộ phương án 1 nhưng cũng không chọn phương án 2. ĐB cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở cả hai phương án dự thảo đưa ra đều chưa thuyết phục, chưa làm rõ được những ưu thế và bất cập của từng phương án. Trong khi đó, đây lại là nội dung cơ bản nhất, quan trọng nhất của dự thảo luật. Từ mô hình chính quyền địa phương mới có thể quyết định phân công thẩm quyền giữa các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, xác định phương thức hoạt động của chính quyền địa phương. ĐB Hồ Thị Thủy lập luận, không thể quy định nơi thì có, nơi thì không có HĐND đơn giản vậy. Đây là dự án luật có nhiều điều khoản đưa ra hai hoặc nhiều hơn hai phương án nhất (33/131 điều). Đề nghị cần xác định rõ từng cấp chính quyền địa phương có nhiệm vụ quyền hạn gì phù hợp với đặc điểm của địa bàn; nhóm nhiệm vụ quyền hạn nào được TƯ phân quyền, nhóm nhiệm vụ quyền hạn nào được phân cấp để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của cấp chính quyền địa phương để QH có cơ sở cân nhắc, quyết định.

Không đồng tình với cả hai phương án cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh). ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, xây dựng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cơ hội để cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo đảm chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân; nếu bỏ lỡ cơ hội này, người dân sẽ mất lòng tin... Đây cũng là cơ hội để khắc phục căn bản những bất cập về cơ chế, tạo ra hệ thống tổ chức nhiều tầng, lớp, chức năng nhiệm vụ quyền hạn bị trùng lặp, chồng chéo, khó xác định được trách nhiệm, bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả. ĐB đề nghị Ban soạn thảo làm theo hướng: "Ở nông thôn cần giữ 3 cấp chính quyền, mỗi cấp đều có UBND và HĐND. Ở đô thị chỉ nên tổ chức hai cấp".

ĐB Trần Minh Diệu (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, hai góc nhìn của Ban soạn thảo là phương án mở. Để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của các thành phố lớn đối với vùng và cả nước, nhu cầu nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị thích hợp được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính. Với phương án 1, việc thiết kế bộ máy chính quyền đô thị nhằm bảo đảm chức năng, nhiệm vụ quản lý phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng cộng đồng dân cư và ở các đơn vị hành chính lãnh thổ có cơ sở được hình thành dựa trên các đặc điểm của đô thị về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng đô thị… "Về chủ trương và quan điểm, tôi đồng tình với định hướng phân biệt mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị" - ĐB Trần Minh Diệu phát biểu. Cũng theo ĐB Trần Minh Diệu, vừa qua TƯ mới có chủ trương chỉ đạo hai thành phố là TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng xây dựng đề án để thí điểm về mô hình chính quyền đô thị. Đề án vừa được thông qua cuối tháng 3-2014 và đang tiếp tục chỉnh sửa. Ngay trong đề án của hai thành phố thì mô hình chính quyền đô thị cũng đã có những điểm khác nhau. Vậy bây giờ đưa vào trong luật thì chúng ta lấy mô hình của thành phố nào? Rõ ràng, đây mới chỉ là ý tưởng, chưa có trên thực tế và chưa được kiểm chứng đánh giá nên thời điểm đưa vào luật thì phải có sự cân nhắc, không nên nóng vội.

ĐB Triệu Là Pham (Đoàn Hà Giang):
Nên xin ý kiến nhân dân

Chúng ta nên thực hiện luật này theo tinh thần Hiến pháp. Nghĩa là duy trì đơn vị hành chính ở 3 cấp. Tôi nhấn mạnh rằng không thể cắt bỏ HĐND các cấp, vì làm vậy sẽ không đem lại lợi ích gì cho dân, cho nước mà chỉ mất đi một công cụ quan trọng góp phần xây dựng bộ máy nhà nước tốt hơn. Đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa quyết định bộ máy chính quyền địa phương hiệu quả hay không, sau khi chỉnh sửa lại, cần lấy ý kiến của nhân dân.

ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Bốn vấn đề tồn tại cần giải quyết

Cần nhìn nhận trên quan điểm xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chứ không phải Luật tổ chức HĐND và UBND sửa đổi. Trong đó, phải giải quyết bốn vấn đề là: Xác định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương; phân công rõ việc gì TƯ làm, việc gì của địa phương; xu hướng chính quyền địa phương tự quản, tự chủ. Cuối cùng là việc có 3 cấp HĐND nhưng hiệu quả rất thấp, không giám sát được, nay phải xử lý ra sao để thể hiện được tinh thần gọn nhẹ, quyền làm chủ của nhân dân phải được phát huy tốt hơn.

ĐB Trương Thị Huệ (Đoàn Thái Nguyên):
Không phân rõ trách nhiệm người đứng đầu

Kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm là do không phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định nhiều về quyền lực mà chưa rõ trách nhiệm. Thế nhưng trong dự thảo, phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương lại chưa rõ ràng. Ví dụ, phân cấp theo hướng vấn đề y tế ở TƯ thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, ở địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm với thiết chế cụ thể. Có như vậy, Chủ tịch UBND ở địa phương mới có tinh thần trách nhiệm, không đổ lỗi cho các cơ quan khác nếu có sự cố xảy ra.

Bách Sen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Không nên nóng vội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.