Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội thông qua hai dự án luật và các nghị quyết thi hành

Việt Nga| 25/11/2014 06:24

(HNM) - Ngày 24-11, Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Phần đầu giờ chiều, QH bỏ phiếu thông qua các dự án luật. Phiên họp buổi chiều còn có sự tham dự của Đoàn nghị sĩ Braxin đang thăm và làm việc tại nước ta. Với đa số phiếu tán thành, QH lần lượt thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tiếp đó, QH cũng đã thông qua Luật Tổ chức viện KSND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức viện KSND (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành. Các ĐBQH cũng thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Thảo luận về Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, các ĐB Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội), Nguyễn Thúy Anh (Đoàn Phú Thọ), Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đều tán đồng với báo cáo giải trình của Chính phủ đồng thời ủng hộ việc phê chuẩn công ước này.

Các ĐB đánh giá, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu xem xét công ước với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đã có đánh giá khách quan, phần bảo lưu một số quy định của công ước là hoàn toàn phù hợp. Song các ĐB cũng cho rằng, lộ trình mà Việt Nam phải thực hiện theo công ước còn dài (đến năm 2020) do vậy, với các quy định chưa tương thích (đã được bảo lưu) với hệ thống pháp luật Việt Nam cần được các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản luật đề xuất chỉnh sửa.

Đáng chú ý, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, với những quy định trong công ước liên quan đến chế độ chính trị (do chế độ chính trị của các quốc gia khác nhau dẫn đến những quy định trong công ước khác nhau) thì nên bảo lưu, còn lại cơ quan soạn thảo nên có những sửa đổi lại các quy định pháp luật nhằm ngăn chặn việc tra tấn và các hình thức bức cung, nhục hình đã xảy ra trong thực tế.

Thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, các ý kiến đều ủng hộ việc Nhà nước tham gia công ước này và kiến nghị QH sớm thông qua. Tuy nhiên, từ thực tế điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thói quen của người dân cũng chưa sẵn sàng hướng về người khuyết tật, trong khi đó những hỗ trợ từ Nhà nước chưa được như mong muốn nên không ít ý kiến vẫn còn phân vân sẽ thực hiện các quy định trong công ước như thế nào?

Các ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên), Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) kiến nghị, sau khi phê chuẩn, QH và các cơ quan có trách nhiệm rà soát các dự án luật trình QH có các quy định liên quan đến quyền của người khuyết tật, tránh tình trạng các luật không tương thích với công ước. Chính phủ cần phê duyệt kế hoạch thực hiện, trong đó chỉ rõ lộ trình triển khai công ước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có các giải pháp đẩy mạnh việc phòng ngừa tai nạn để hạn chế tăng số người khuyết tật; tuyên truyền để dỡ bỏ được sự kỳ thị của xã hội về người khuyết tật; đầu tư cho giáo dục đào tạo người khuyết tật; có chính sách tạo công việc và việc làm cho người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua hai dự án luật và các nghị quyết thi hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.