Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” chuyện quản lý chung cư và ô nhiễm môi trường

Phong Thu| 05/12/2014 06:09

(HNM) - Ngày 4-12, HĐND TP Hà Nội đã dành cả ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề

Chất thải từ làng nghề không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bảo Lâm


Xử lý ô nhiễm: Hướng chính là xã hội hóa

Trước thực tế hiện thành phố có 1.350 làng nghề, làng có nghề và tình trạng ô nhiễm các làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề, các ĐB: Đỗ Trung Hai, Nguyễn Thị Thùy đề nghị UBND thành phố cho biết các giải pháp xử lý, nhất là việc áp dụng KHCN để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề đã được áp dụng thế nào? Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, từ năm 2012 đến nay, Sở TN-MT đã tiến hành khảo sát 17 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã lựa chọn được 6 làng nghề đặc biệt ô nhiễm về nước thải để triển khai thí điểm công nghệ xử lý. ĐB Phạm Xuân Tài băn khoăn: "Hiện thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng kết quả còn hạn chế, mới có 6 mô hình xử lý trong khi toàn thành phố có tới 1.350 làng nghề, vậy nguyên nhân tại sao? Thời gian tới tập trung vào giải pháp nào?". Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông thừa nhận là hiện mới có ít làng nghề thực hiện được mô hình xử lý ô nhiễm. Biện pháp giải quyết trong thời gian tới chủ yếu là xử lý ô nhiễm nguồn nước; xây dựng hệ thống thu gom; áp dụng KHCN để giảm khói bụi, tiếng ồn và ô nhiễm… Tuy nhiên, công tác này cũng gặp khó khăn do các làng nghề thường đan xen trong khu vực dân cư nên phải xây dựng nhiều hệ thống thu gom trong khi nguồn lực chưa đủ. Trước ý kiến của ĐB Nguyễn Hoài Nam về việc: "Nếu chỉ sử dụng ngân sách của thành phố để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề thì sẽ không đủ, do đó, cần xác định trách nhiệm của các hộ sản xuất, của Ban quản lý và Sở để cùng tham gia giải quyết, Giám đốc Sở TN-MT khẳng định sẽ tiếp thu và triển khai thực hiện theo hướng chính là xã hội hóa.

Vấn đề chất lượng nước sạch và nước hợp vệ sinh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và có tới 6 ĐB chất vấn, tái chất vấn. ĐB Phạm Xuân Tài nghi ngại: Trong báo cáo trả lời chất vấn khẳng định nguồn nước cấp thô và nguồn nước sạch bảo đảm, nhưng thực tế nhiều trạm cấp nước lại không bảo đảm, vậy nguyên nhân tại sao và trách nhiệm thuộc về ai? Nêu thực tế trên địa bàn huyện Thường Tín có 17 xã ven sông Nhuệ và Tô Lịch ô nhiễm, nguồn nước không bảo đảm, ĐB mong muốn thành phố và các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp cụ thể. ĐB Lê Văn Thư cũng khẳng định hiện trên địa bàn Bắc Từ Liêm vẫn còn phường chưa được cấp nước sạch. ĐB Chu Sơn Hà muốn biết số liệu và giải pháp đối với các công trình nhà máy nước đã đầu tư còn dở dang, lãng phí. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, đây là vấn đề nhiều năm nay thành phố tập trung chỉ đạo, mỗi năm bố trí hơn 1 tỷ đồng để kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch. Từ năm 2009 đến nay, Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đánh giá chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn. Đối với các trạm cấp nước sạch tập trung, mỗi năm lấy mẫu 2 lần. Đối với cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình là 1 lần/năm theo phương pháp lấy ngẫu nhiên với số lượng 2.400 mẫu năm 2014 (chiếm 0,3% số công trình cấp nước nhỏ lẻ). Hiện, cơ bản các trạm cung cấp nước sạch bảo đảm yêu cầu, nhưng có nơi, có thời điểm chưa đạt yêu cầu. Qua kết quả phân tích, hiện nay mới có 44,8% mẫu nước được lấy và phân tích tại các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình đạt chất lượng theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Số còn lại bị ô nhiễm do các chỉ số về hàm lượng sắt, Asen, Amoni, Coliforms…

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh tán thành cao với các giải pháp đã nêu trong phần trả lời chất vấn, đồng thời khẳng định đây không là việc riêng của UBND thành phố mà của tất cả các quận, huyện, sở, ngành có liên quan. Theo Chủ tịch HĐND thành phố, cần dành ngân sách cho công tác này, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện công tác xã hội hóa. Trong hàng loạt dự án liên quan đến xử lý môi trường làng nghề, rác thải y tế thì cần ưu tiên cho những nơi bức thiết, tránh chia đều dẫn tới không nơi nào phát huy được hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm.

Một góc Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Phan Anh


Vẫn băn khoăn về quản lý nhà chung cư

Một trong những nội dung làm "nóng" hội trường là những câu hỏi thẳng thắn về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và công tác quản lý nhà chung cư, tái định cư. Các ĐB đề nghị UBND thành phố cho biết tại sao đến nay việc thành lập các Ban quản trị nhà chung cư trên địa bàn toàn thành phố triển khai chậm? Trong khi đó, phí bảo trì 2% đối với nhà chung cư thì báo cáo là đã hết, nhưng kinh phí từ các tòa nhà có kinh doanh tầng 1 thì không thấy báo cáo? Sau khi rà soát các chung cư đã ban hành kế hoạch khớp nối hạ tầng chưa, trong đó có xác định rõ trách nhiệm của thành phố, của chủ đầu tư chưa?... Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Hiện đã có kế hoạch khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Một số nơi đã thực hiện tốt, điển hình là Khu đô thị Việt Hưng. Về khoản kinh phí kinh doanh tầng 1 được chuyển về Kho bạc Nhà nước. Nếu nhà chung cư, tái định cư thiếu vốn bảo trì, các sở, ngành đề xuất trích từ nguồn kinh phí này.

ĐB Nguyễn Hoài Nam cho biết: Cử tri mong muốn các tòa nhà cần có diện tích, sân chơi cho trẻ em nhưng hầu hết các chung cư không có, vậy Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng khi phê duyệt có quan tâm đến vấn đề này không? Quy chuẩn phê duyệt như thế nào trong khi đó đã có quy định phải dành đất cho trường học, y tế, sân chơi. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư mà do dân quản lý thì những người dân đó có đủ trình độ quản lý hay không, bởi quản lý tòa nhà cao tầng là vấn đề không đơn giản. Do đó, cần cân nhắc và tham mưu cho thành phố để quản lý tòa nhà cao tầng trong đó có nhà chung cư cho tốt. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đồng tình rằng trách nhiệm của Ban quản trị phải gắn với chủ đầu tư, ý kiến của ĐB HĐND thành phố rất đúng nên sẽ tiếp thu và phát huy công tác phối hợp giữa các bên liên quan. Nhiều vấn đề liên quan đến nhà chung cư, tái định cư được chất vấn tại phiên họp chưa được trả lời tại hội trường sẽ trả lời bằng văn bản.

Kết luận nội dung về chất vấn và tái chất vấn về chung cư, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cơ bản tán thành đối với phần trả lời, nguyên nhân và giải pháp được nêu ra, đồng thời mong muốn UBND thành phố tổ chức thực hiện chỉ đạo hiệu quả đối với các giải pháp đã nêu.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” chuyện quản lý chung cư và ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.