Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống

Nhóm PV Nội chính| 19/12/2014 06:49

(HNM) - Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dân tộc Việt Nam hiểu hơn ai hết cái giá của chiến tranh.

Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước cho thấy: Nếu không muốn chiến tranh thì phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh...

Xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng trong mọi tình huống, đáp trả mọi cuộc chiến tranh; chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù là đòi hỏi cấp bách trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường; cũng là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc.

Luyện tập đổ bộ bằng đường không tại Trung đoàn Không quân 916. Ảnh: Bá Hoạt


Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Phát huy nghệ thuật đánh giặc giữ nước của cha ông, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật quân sự của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt nền móng cho việc xây dựng một lực lượng quân sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã xác định: Xây dựng quân đội có bước tiến mới về chất mà khâu đột phá là tiến lên chính quy.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội chính quy là đòi hỏi tất yếu, khách quan của nhiệm vụ cách mạng. Người chỉ rõ, quân đội phải xây dựng chính quy một cách toàn diện: Chính quy trong huấn luyện, trong sẵn sàng chiến đấu, trong sinh hoạt hằng ngày… Nói chuyện với bộ đội tham dự duyệt binh ngày 1-1-1955, Người chỉ thị: Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều luận điểm quan trọng trong việc xây dựng quân đội tinh nhuệ. Người chỉ thị phải ra sức học tập, rèn luyện để "tinh binh, tinh cán". Trong giáo dục bộ đội đặc công, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải khổ công tập luyện, nhằm tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, để làm nhiệm vụ đặc biệt, đánh những trận chiến đặc biệt và giành thắng lợi đặc biệt.

Với tầm nhìn vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định: Xây dựng quân đội hiện đại là đòi hỏi bức thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời là tiền đồ lâu dài của quân đội ta. Huấn thị tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp Bộ Quốc phòng (tháng 5-1957), Người nhấn mạnh: "Tình thế ngày một tiến. Trước là thời kỳ khác, nay là thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định tiến từng bước lên chính quy và hiện đại". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng chọn người đi học các quân chủng, binh chủng kỹ thuật hiện đại như hải quân, không quân, phòng không; chuẩn bị khung cán bộ cho các binh chủng kỹ thuật mới như xe tăng, tên lửa, ra đa, hóa học… Người cũng đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp về nghệ thuật quân sự của chiến tranh hiện đại và tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật hiện đại nối tiếp nhau ra đời, quân đội ta không ngừng trưởng thành, đủ sức đương đầu với đế quốc Mỹ có tiềm lực quân sự hùng mạnh, phương tiện chiến tranh hiện đại. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, với vũ khí được viện trợ từ các nước anh em và nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam, các lực lượng phòng không, không quân đã đánh bại "Cuộc ném bom mùa Giáng sinh" với mật danh LinebackerII, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52- được mệnh danh Pháo đài bay của không lực Mỹ... Điện Biên Phủ trên không - 1972 và sau đó, các chiến dịch lớn trong Mùa xuân toàn thắng - 1975 đã để lại những bài học lớn trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó trí tuệ và vũ khí hiện đại là những yếu tố cơ bản để tạo nên sức mạnh, quyết định cục diện chiến trường.

Sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội, Đảng ta luôn xác định xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với nhiệm vụ: "Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống". Đặc biệt, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đặt ra yêu cầu mới: Các quân chủng phòng không - không quân, hải quân, binh chủng tác chiến điện tử và thông tin phải tiến thẳng, tiến nhanh lên hiện đại.

Tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục biến động khó lường, nguy cơ xung đột vũ trang đang hiện hữu, nhiều thách thức mới đang đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, nâng cao tiềm lực quốc phòng vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là đòi hỏi từ thực tế khách quan, đặc biệt khi quân đội ta đang đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực, đầu tư nhiều loại trang thiết bị, vũ khí hiện đại nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân, phòng không, không quân và một số lực lượng trọng điểm để sẵn sàng đối phó với các tình huống quân sự đột xuất. Một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại cũng được hình thành cùng với việc mở rộng hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật quân sự.

Để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc và sẵn sàng đánh trả đối phương trong chiến tranh hiện đại với vũ khí công nghệ cao, lực lượng phòng không, đặc biệt là không quân đã có những bước chuyển mạnh mẽ theo hướng tiến thẳng lên hiện đại. Bên cạnh việc nâng cao khả năng tác chiến của nhiều loại vũ khí, khí tài như tên lửa S-125 Neva/Pechora, S-75 Dvina, quân đội ta đã đặt tổ hợp tên lửa S-300 PMU1 - một loại tên lửa phòng không tầm xa thuộc loại tối tân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Những máy bay tiêm kích MiG-21, Su-22 được thay thế bằng các loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới như Su-30MK2, góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu cũng như khả năng tuần tra, giám sát, kiểm soát bầu trời Tổ quốc… Lực lượng hải quân cũng được bổ sung nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại như tàu pháo - tên lửa, các hệ thống phòng thủ bờ biển; không quân hải quân được trang bị nhiều máy bay với tầm bay xa, có thể tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng khác. Đặc biệt, việc trang bị tàu ngầm Kilo 636 đã tạo ra một lực lượng mới sẵn sàng đối phó với các thách thức về an ninh...

Vũ khí hiện đại là những "quả đấm thép", Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho quân đội. Tuy nhiên, vũ khí trang bị chỉ là một yếu tố cơ bản để xây dựng quân đội hiện đại. Yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Lịch sử đã chứng minh, vũ khí có hiện đại nhưng nếu không có những con người vững vàng về lập trường, kiên định về lý tưởng, có tư duy sáng tạo, quyết đánh và quyết thắng... thì cũng trở nên vô nghĩa. Con người chính là yếu tố quyết định. Do vậy, việc tập trung giáo dục cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, trí tuệ, có trình độ khoa học kỹ thuật, đủ sức phát huy tính năng vũ khí, khí tài trên nền nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam cũng là một đòi hỏi cấp bách.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã đúc rút: Nếu không muốn chiến tranh thì phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh... Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của quân đội ta là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, trách nhiệm chính trị của quân đội ta là đánh thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam phải đánh thắng mọi kẻ thù trong điều kiện chiến tranh thông thường và các loại hình chiến tranh khác, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vì vậy, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là hết sức cần thiết. Đây cũng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.