Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ những việc cần cải cách

Phong Thu| 26/12/2014 07:17

(HNM) - Kết quả cải cách mới là bước đầu, bởi thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.



Đó là điều được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp về công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, diễn ra ngày 25-12 tại Hà Nội.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha


Cắt giảm 25% chi phí tuân thủ TTHC trong năm 2015

Sau 2 năm được giao theo dõi công tác cải cách TTHC và quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC (trước đây công tác này thuộc Văn phòng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động và tạo được chuyển biến tích cực. Tính đến quý IV-2014, các bộ, ngành đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 4.219 TTHC trong 25 nghị quyết chuyên đề năm 2010, đạt tỷ lệ 89,5%. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến cải cách quy định, TTHC như: Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896); đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đề án Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền; đề án Liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Bộ trưởng hoặc thứ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính

TTHC trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh nên vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương còn rất nặng nề. Năm 2015, các bộ cần xác định không chỉ thực hiện cải cách TTHC ở bộ mình mà còn hướng dẫn các sở, ngành thực hiện. Mỗi bộ cần có bộ trưởng hoặc thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo, tăng cường cán bộ, tạo điều kiện cho họ làm tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt, cần làm tốt công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành.

Theo tính toán, các đề án trên khi thực hiện sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong cải cách TTHC, giảm thời gian, chi phí, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC. Ngay trong kế hoạch đơn giản hóa TTHC trong năm 2015 Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy quyết tâm của bộ này khi hướng tới cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng nhóm TTHC và công khai kịp thời, đầy đủ 100% TTHC tại 4 cấp chính quyền.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC tại một số bộ, ngành còn chậm; việc công bố, công khai TTHC chưa kịp thời, không thống nhất về số lượng và nội dung thủ tục; tiến độ triển khai đề án 896 chậm hơn so với kế hoạch…

Tăng cường phối hợp liên ngành

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã đề xuất nhiều nội dung để công tác cải cách TTHC tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, hầu hết các ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành để đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng đề xuất: "Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh cải cách mảng giao dịch bảo đảm vì sau nhiều năm bị xếp hạng thấp về nội dung này thì hiện vẫn chưa cải thiện được nhiều". Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, nếu giải quyết được vấn đề nói trên sẽ tháo gỡ cho việc khai thông các nguồn vốn. Vì thực tế hiện nay vốn cho vay đã hỗ trợ lãi suất thấp nhưng các DN khó tiếp cận. Trong khi đó, lãnh đạo TAND Tối cao cũng cho biết, cải cách TTHC liên quan đến tư pháp còn nhiều khó khăn, nhất là khâu giám định tư pháp. Theo quy định, giám định hàm lượng ma túy phải rất chính xác vì việc này liên quan đến mức độ phạm tội, hình phạt, sinh mạng con người. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có 2 trung tâm giám định.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết, thực tế thời gian qua nhiều địa phương không thực hiện được quy định giám định hàm lượng ma túy vì không có phương tiện, công cụ và không có mẫu xác định hàm lượng. Tương tự, trong giám định về lĩnh vực ngân hàng, xây dựng liên quan đến các vụ án lớn, các vụ án tham nhũng cũng rất khó khăn nên thường bị mất nhiều thời gian. Trước thực tế này, ông Kiều Đình Thụ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tìm biện pháp tháo gỡ để thuận lợi cho việc thực thi các quy định pháp luật.

Liên quan đến cơ chế phối hợp, Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng khẳng định: Năm 2014, VCCI tham gia phối hợp với các cơ quan thực hiện đơn giản TTHC lĩnh vực thuế, hải quan nên đã tạo niềm tin lớn cho cộng đồng DN vì họ thấy đại diện của mình đã tham gia thì chắc chắn tạo thuận lợi cho DN. Do vậy, cơ chế phối hợp này là hướng đi đúng, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Đại diện các bộ, ngành cũng đề xuất một số nội dung liên quan tới công tác cải cách TTHC như: Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tăng điểm đánh giá đối với lĩnh vực cải cách TTHC trong chỉ số CCHC (PAR Index) để đánh giá đúng tầm quan trọng của cải cách TTHC; cần cải cách cách làm báo cáo để khắc phục việc nộp báo cáo quá nhiều như hiện nay; đơn giản hóa quy trình xét duyệt việc chi kinh phí hỗ trợ cho cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC…

Năm 2014, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ 109 và sửa đổi 276 TTHC (chiếm 40% số TTHC quy định trong dự thảo); tiến hành thẩm định 707 TTHC tại 88 văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, trong đó đề nghị bỏ 108 TTHC và sửa đổi 378 TTHC không cần thiết, không hợp lý (chiếm 68,7% số TTHC quy định tại văn bản).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ những việc cần cải cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.