Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ: Phân cấp mạnh để Hà Nội năng động phát triển

Lan Hương| 05/03/2015 14:53

(HNMO) - Sáng 5/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong năm 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75-77 triệu đồng/năm.

(HNMO) - Sáng 5/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong năm 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75-77 triệu đồng/năm.

Nhìn lại năm 2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%, bằng 1,52 lần mức tăng chung cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học công nghệ… có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, TP đã giải quyết việc làm cho khoảng 140 nghìn lao động, hỗ trợ 14.500 hộ thoát nghèo, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; đã hoàn thành hầu hết các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch…

Một góc phía Tây Hà Nội.


Đến nay, Hà Nội đã huy động các nguồn lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới 121 xã, bằng khoảng 1/5 số xã nông thôn mới của cả nước. Công tác quản lý đô thị được chú trọng, tích cực triển khai năm “Trật tự, văn minh đô thị”, qua đó tạo chuyển biến rõ rệt, đường thông hè thoáng hơn; thành phố xanh, sạch và trật tự hơn.

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội được giữ vững, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong năm 2015, Hà Nội xác định thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu là: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75-77 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn từ 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8-9%; số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 55 xã…

Hà Nội đề xuất được huy động vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng 

Để tạo đẩy nhanh phát triển KT-XH và tháo gỡ khó khăn cho TP Hà Nội trong năm 2015 và các năm tiếp theo, UBND TP đề nghị để đảm bảo ổn định nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển, Chính phủ xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách (ít nhất là 45%, hiện nay là 42%) trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020 để TP có điều kiện thực hiện chủ trương phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Quốc hội, của Trung ương và theo các quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cho phép TP Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng với mức dư nợ từ nguồn vốn huy động tối đa không quá 150% vốn đầu tư XDCB trong nước của ngân sách TP hàng năm để tạo nguồn đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách Thành phố (bằng mức Chính phủ quy định cho TP Hồ Chí Minh hiện nay).

Đề nghị Chính phủ để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để có nguồn vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi chờ Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư nhằm phát triển nơi đây thành tổ hợp công nghiệp hỗ trợ phức hợp, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao.

Mặt khác, TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ưu tiên cân đối vốn cho các công trình trọng điểm quan trọng. Để hoàn thành các dự án xây dựng nhà ở sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã và đang triển khai trên địa bàn Thành phố, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng xem xét bổ sung 666 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ cho hai dự án: Thanh toán công trình đã hoàn thành khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình (64 tỷ đồng) và hoàn thành khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (602 tỷ đồng).

Ngoài ra, thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nhất là việc dành quỹ đất mà các đơn vị di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của Thành phố…

Các thành viên Chính phủ ủng hộ phân cấp mạnh để Hà Nội phát triển

Qua buổi làm việc, đa số ý kiến các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham dự buổi làm việc đồng ý cao với đề nghị của Hà Nội và góp ý làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến cơ chế đầu tư, thu hút vốn, ủng hộ đề xuất điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách lên ít nhất là 45% so với mức 42% hiện nay. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét: "Là một trong những đầu tầu kinh tế của đất nước, năm 2014, Hà Nội thu ngân sách hơn 130.000 tỷ đồng, đây là nguồn thu rất quan trọng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Hà Nội cũng là một trong những nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ODA) lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2004-2008 TP tiếp nhận ODA 1,3 tỷ USD ODA (chiếm 26% ODA dành cho địa phương). Riêng năm 2014, TP thu hút 1,3 tỷ USD ODA. Giai đoạn vừa qua TP Hà Nội đã điều tiết về Trung ương 73.000 tỷ đồng/một năm, đây là con số không nhỏ trong điều kiện chung còn nhiều khó khăn".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: TP cũng rất quan tâm, đã và đang triển khai tốt công tác xây dựng, cải tạo chung cư cũ. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP để đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ. 

Riêng với quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trục đô thị này không chỉ quan trọng đối với Hà Nội mà còn với quốc gia. Các đại biểu đề nghị Hà Nội nên quán triệt trên nguyên tắc chung phân cấp để thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ hỗ trợ, giám sát cùng TP. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “TP Hà Nội còn rất nhiều tiềm năm phát triển lâu dài cũng như để thực hiện đồ án quy hoạch 2 bên đường tuyến Nội Bài - Nhật Tân, đặc biệt là theo hình thức BOT. Nếu Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo TP đồng ý, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng TP để triển khai hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch này, cũng như các dự án khác như các điểm đỗ xe, bến xe...".

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển KT-XH

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Thủ tướng đánh giá những thành tựu Hà Nội đạt được là toàn diện trên các lĩnh vực, từ về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tới quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh nội lực; tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiềm năng lợi thế cũng như những kết quả đạt được; đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được đề ra cho 2015 gắn với tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tốt cho Kế hoạch 5 năm (2016-2020); đưa Hà Nội có bước phát triển mới trong 5 năm tới để xứng đáng là Thủ đô, trái tim, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… của cả nước. Hà Nội có nhiều mô hình tốt, điển hình để không chỉ cho Hà Nội mà còn góp phần thúc đẩy nhân rộng ra cả nước.

“Với tinh thần này, tôi rất mong các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần năng động sáng tạo, phát huy tối đa nội lực của mình, cả về vật chất, tinh thần, con người, các tiềm năng; tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong xây dựng và phát triển Thủ đô; ra sức cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường văn hóa, môi trường sống” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ sau cuộc làm việc sẽ ban hành một Quyết định theo hướng phân cấp, ủy quyền mạnh để Thủ đô năng động, sáng tạo, xây dựng, phát triển, tự chịu trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước.

Tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020; cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đồng ý với chủ trương để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập; đồng ý thực hiện chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; đồng ý với đề xuất tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính của thành phố Hà Nội tại khu đất Đông Nam Trần Duy Hưng; đồng ý với với đề xuất của Hà Nội về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về du lịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ: Phân cấp mạnh để Hà Nội năng động phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.