Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Nữ nghị sĩ–IPU132: Phụ nữ cần được trao nhiều quyền hơn nữa

Vân An| 28/03/2015 19:35

(HNMO) - Hôm nay, 28/3, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội với nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận sôi nổi về vấn đề nữ quyền.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ

Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 bao gồm 2 phiên họp buổi sáng và buổi chiều với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Tổng thư ký IPU Martin Chungong.

Tại Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu làm Chủ tịch Hội nghị.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự khi được Hội nghị tin tưởng, giao phó trọng trách quan trọng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị Nữ nghị sĩ là không gian để các nghị sĩ gặp gỡ, trao đổi tại các kỳ Đại hội đồng và giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nữ nghị sĩ và các nhóm nữ nghị sĩ. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để tất cả các nữ nghị sĩ cùng nhau làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các chủ đề mà mình quan tâm và thúc đẩy bình đẳng, hợp tác nam nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, Quốc hội Việt Nam hiện nay có 122 nữ đại biểu và đều là thành viên của nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Các đại biểu nữ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động trong đó có vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong nhiều năm liền, đại diện của nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự tích cực tất cả các hoạt động của Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU. Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU đã cho các đại biểu nữ Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai các hoạt động của mình.



Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, tại Hội nghị lần này, từ các chủ đề trong chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tất các các vị đại biểu trong việc biến các cam kết tự nguyện trở thành các quy định pháp lý mang tính bắt buộc và biến các quy định pháp luật thành thực tiễn sinh động, biến lời nói thành hành động và nữ đều có thể tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng các kết quả của sự phát triển.

Trước sự hiện diện của nhiều nghị sĩ nam trong Hội nghị nữ nghị sĩ lần này, Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng các vị nghị sĩ này sẽ là tác nhân quan trọng trong việc hiện thực hóa pháp luật quốc gia về bình đẳng giới về Công ước CEDAW, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, biến Mục tiêu phát triển bền vững thành hành động trong thời gian tới.

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chính sách nhất quán của Việt Nam


Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các nghị sĩ đã có mặt tại Hà Nội tham gia Hội nghị Nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, cùng nhau nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những đóng góp quan trọng của Hội nghị Nữ nghị sĩ.

Trải qua ba thập kỷ với nhiều phương diện, cơ chế này đã và đang phát triển từng ngày cùng với Liên minh Nghị viện Thế giới, các nữ nghị sĩ đã tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của Liên minh Nghị viện Thế giới, hình thành mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên trên toàn cầu. Đặc biệt, ngày càng nhiều và thường xuyên hơn các vấn đề liên quan đến phụ nữ được được đưa vào chương trình nghị sự của IPU, thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa các nam và nữ nghị sĩ trong IPU.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao khi Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 lựa chọn chủ đề thảo luận về 20 năm thực hiện Tuyên bố chung và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, các cam kết về bình đẳng hòa bình và phát triển với 12 mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường tiềm năng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn cầu. Tuyên bố về Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh đã phản ánh khá đầy đủ các mối quan hệ và sự quan tâm của phụ nữ và những cam kết đối với phụ nữ của các nghị viện và các quốc gia. Hội nghị này là cơ hội của các quốc gia đánh giá 20 năm thực hiện các cam kết, vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết, thể chế hóa khung pháp luật quốc gia tạo cơ chế giám sát hiệu quả và phân bổ nguồn lực để thực hiện. Việc thảo luận của Hội nghị lần này càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của Đại hội đồng đó là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” để đề xuất các kiến nghị cũng như xây dựng các mục tiêu trong phát triển tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và các luật bình đẳng giới đều đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và công dân nữ. Phụ nữ tham gia trong Quốc hội Việt Nam tại các khóa gần đây đều đạt khoảng 25% và Quốc hội Việt Nam phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ này.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tin tưởng, Hội nghị Nữ nghị sĩ phát huy hiệu quả cơ chế hoạt động của mình để đóng góp tích cực vào các Nghị quyết của Đại hội đồng, bảo đảm các Nghị quyết được thông qua đều đã được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được tiếng nói của các nữ nghị sĩ.

Thúc đẩy hơn nữa nữ quyền

Phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, thời gian qua IPU đã không ngừng khuyến khích Hội nghị Nữ nghị sĩ nỗ lực thúc đẩy, nâng cao vị thế của phụ nữ. Năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị.



Chủ tịch IPU cho biết, Hội nghĩ Nữ nghị sĩ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1921 chỉ với 2 thành viên tham gia cho đến Hội nghị Nữ nghị sĩ tại Hà Nội lần này đã có hơn 200 thành viên tham dự là kết quả đáng mừng cho những nỗ lực hoạt động của Hội nghị Nữ nghị sĩ.

Chủ tịch IPU khẳng định, vấn đề bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng nữ giới mà là của tất cả mọi người. Vì vậy, các nghị sĩ tham gia Hội nghị phát huy vai trò của mình, sử dụng sức mạnh chính trị để thay đổi tư duy của mọi người.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Claudia Roth nhấn mạnh, những thách thức mà phụ nữ toàn cầu hiện đang phải đối mặt đó là tình trạng bị bạo hành, bạo lực gia đình, tấn công, phân biệt đối xử; không được quan tâm đầy đủ về vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, nạo phá thai; chưa được tham gia sâu rộng vào đời sống chính trị của quốc gia, nhất là trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng…

Theo bà Roth, để thực sự thay đổi được tình hình, vấn đề nữ quyền, nhân quyền của phụ nữ phải được đề cao trong các diễn đàn, sự kiện toàn cầu. Phụ nữ phải được trao nhiều quyền hơn nữa và được tiếp cận với các nguồn lực. Chính phủ mỗi nước phải đảm bảo thực hiện các cam kết của mình về nữ quyền, về bình đẳng giới và Quốc hội mỗi nước phải đảm bảo duyệt đủ ngân sách để thực hiện các mục tiêu này.

Chung quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Uganda Rebecca Kadaga nhận xét, những giải pháp đề cao nữ quyền thời gian qua chưa được thực hiện mạnh mẽ nên chuyển biến tạo ra còn chậm.

Theo bà, phụ nữ cần được tham gia hơn nữa vào quá trình lập pháp ở mỗi nước, tham gia vào các tổ chức, bộ máy quản lý quan trọng ở mỗi quốc gia và cần được ghi nhận những đóng góp của họ trong phát triển kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Nữ nghị sĩ–IPU132: Phụ nữ cần được trao nhiều quyền hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.