Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ): Đoàn kết là sức mạnh

Bình Yên| 30/03/2015 06:27

(HNM) - Hôm nay 30-3, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Đa nhiệm kỳ 2015-2020 bế mạc sau hai ngày làm việc. Đây không chỉ là đơn vị được Huyện ủy Phúc Thọ lựa chọn điểm mà còn là đảng bộ khối xã duy nhất của TP Hà Nội được Ban Tổ chức Trung ương về dự.


Đảng viên luôn đi trước

Không phải là xã làm điểm, song Thanh Đa là một trong số địa phương về đích sớm nhất trong chương trình dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) của huyện Phúc Thọ. Ngoại trừ một thôn đã DĐĐT thành công từ năm 2007, còn lại 6 thôn phải dồn đổi ruộng với diện tích hơn 163ha. Đồng đất không đồng đều, chỗ chưa mưa đã úng, nơi chưa nắng đã hạn nên vì thế, tâm lý lo ngại "nhỡ gắp thăm phải thửa ruộng xấu thì sao" có ở không ít người.

Phúc Thọ ngày càng thay da đổi thịt, phát triển bền vững. Ảnh: Thái Hiền


Quyết là làm, Đảng ủy xã Thanh Đa đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, đồng thời yêu cầu các chi bộ họp thảo luận ra nghị quyết thực hiện. Các thôn tổ chức họp toàn dân, tuyên truyền cho dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, công khai trình tự 7 bước trong thực hiện phương án DĐĐT để mọi người bàn bạc, thống nhất biện pháp triển khai. Một công việc quan trọng khác cũng được xã tiến hành song song đó là, đo đạc, thống kê hiện trạng đất nông nghiệp của từng hộ, diện tích đất chuyển nhượng, chuyển đổi, đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật để thông báo công khai đến dân. Đến bước giao đất thực địa, hiểu rõ băn khoăn của bà con, nhiều đảng viên như Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Văn Huy ở Chi bộ thôn Tăng Non, Nguyễn Đức Dũng ở Chi bộ Phú An… và ngay cả UVTV, Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Đăng Binh đã xung phong nhận thửa đất xấu, cằn cỗi, dành thửa đất dễ canh tác cho các hộ dân.

Thấy đảng viên tự nguyện nhận phần đất xấu về mình, các hộ dân đồng thuận làm theo. Bài toán khó đã tìm được lời giải, từ một thôn làm điểm có thêm 4 thôn khác đăng ký thực hiện cùng lúc và đến năm 2013, thôn còn lại của xã đã hoàn thành DĐĐT. Từ 8 đến 9 mảnh ruộng nay còn bình quân 1,7 thửa/hộ, việc canh tác của bà con trở nên thuận lợi hơn. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng để cải tạo vùng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

"Giờ thì chúng tôi đã có 60 vườn trại; 50ha rau an toàn. Ngay cả khu đất xấu ở đuôi sông Thanh Mạc giờ đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, thả cá. Thu nhập trên diện tích canh tác đạt gần 300 triệu đồng/ha. Lợi ích của DĐĐT rất rõ, ai cũng nhìn thấy được" - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa Đỗ Văn Thành phấn khởi nói.

Sáng tạo, nói đi đôi với làm

So với các xã, thị trấn của huyện Phúc Thọ, kinh tế của xã Thanh Đa ở mức trung bình khá. Nhưng, điều mà Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Thành luôn tự hào là tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong dân; đội ngũ cán bộ có tinh thần sáng tạo, "nói đi đôi với làm". Vị Bí thư Đảng ủy dẫn ví dụ, khi thực hiện DĐĐT, để mở rộng các tuyến đường nội đồng thì phải mua đất đắp nền, rất tốn kém. Cán bộ của xã nghĩ ra cách, nạo vét các tuyến kênh mương lấy đất đắp đường vừa không tốn kém kinh phí, vừa khơi thông dòng chảy. Cách làm này của Thanh Đa đã được các địa phương trong huyện học tập, nhân rộng. Ví dụ nữa là, tranh thủ chương trình hỗ trợ nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn của thành phố, trong thời gian ngắn, xã vận động nhân dân đóng góp ngày công đổ bê tông 7km đường nội thôn, xóm. Duy nhất chỉ còn tuyến đường ra bãi tha ma là cả bên thi công và người dân đều ngại làm. Ngay cả một đồng chí đảng viên 55 tuổi Đảng cũng không tin rằng con đường sẽ được thi công. Mục tiêu đặt ra là đổ bê tông 100% tuyến đường nên cán bộ xã một mặt thuyết phục bên thi công, mặt khác vận động nhân dân cùng thực hiện. Và, đoạn đường này đã được đổ bê tông trước tết Nguyên đán.

"Có thể hiện tại kinh tế của Thanh Đa chưa mạnh, nhưng 5 năm tới - khi mà Đảng bộ và nhân dân quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tạo nhiều sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao, đặc biệt là nông sản, chắc chắn diện mạo nông thôn, đời sống của người dân sẽ thay đổi" - Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Thành quả quyết. Cách đây 25 năm, vì mất đoàn kết, mọi phong trào, hoạt động của Thanh Đa đều bị trì trệ. Từ bài học này, Đảng bộ và nhân dân Thanh Đa luôn đặc biệt coi trọng và sẽ nỗ lực hết sức để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, trong dân, bởi đó là sức mạnh để hiện thực hóa các mục tiêu đại hội Đảng bộ xã đề ra cho nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2010-2015 của xã Thanh Đa đạt 10,5%; thu ngân sách gần 40 tỷ đồng. Xã phấn đấu trong năm nay hoàn thành chương trình nông thôn mới. Hằng năm, có 87% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh, năm 2013 được Thành ủy tặng Bằng khen.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ): Đoàn kết là sức mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.