Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Văn hóa cần được đầu tư tương xứng

Quốc Bình| 01/04/2015 16:18

(HNMO) - Sáng 1-4, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho phát triển bền vững, rất cần được đầu tư cho xứng đáng.


Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở VHTTDL Tô Văn Động đề xuất, thành phố tăng cường đầu tư cho ngành VHTTDL, gồm: Tăng định mức chi sự nghiệp ngân sách cho các hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện tại định mức chi cho văn hóa là 10.000 đồng/người/năm, thể thao quần chúng là 2.500 đồng/người/năm, du lịch là 3.000 đồng/người/năm; tăng cường đầu tư cho thiết chế các lĩnh vực trên; có cơ chế đặc thù về đầu tư từ ngân sách thành phố và việc bố trí vốn tu bổ, tôn tạo đối với các di tích quốc gia đặc biệt, các di tích đã xếp hạng... Ông Tô Văn Động cho rằng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư mạnh cho y tế, giáo dục, tạo nên sự chuyển biến rõ nét. Nên để văn hóa cũng có bước phát triển vượt bậc, thành phố nên tập trung đầu tư cho lĩnh vực này trong những năm tới.

Một số ý kiến tại cuộc làm việc đồng tình với đề xuất của Sở VHTTDL. Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, nên đầu tư cho văn hóa cần phải tương xứng, cần phải xác định tỷ lệ % đầu tư thường xuyên từ nguồn ngân sách cho lĩnh vực này cụ thể là bao nhiêu.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận buổi làm việc.


Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, cần phải nhất quán về quan điểm, nhận thức là đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho phát triển bền vững, bảo vệ những giá trị trường tồn cho tương lai. Con người không có văn hóa, văn minh, xã hội không thể phát triển được. Đầu tư cho văn hóa thường không đem lại lợi nhuận, nguồn thu ngay, nhưng là lĩnh vực cần được quan tâm xứng đáng.

Bí thư Thành ủy chia sẻ với Sở VHTTDL vì những khó khăn, bất cập, những điều kiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Đồng chí đề nghị Sở chủ động xây dựng các cơ chế để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho các lĩnh vực của ngành, trong đó có việc tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng. Lấy dẫn chứng từ việc tôn tạo di tích Gò Đống Đa, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: Nếu cứ chờ nguồn đầu tư từ ngân sách thì không biết đến khi nào mới có được công trình như hôm nay. Nhưng để các nhà tài trợ tham gia vào thì cơ chế, nhất là thủ tục phải thuận lợi. Vì ngay như dự án tôn tạo di tích Gò Đống Đa, lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố phải trực tiếp chỉ đạo mới tháo gỡ được vướng mắc.

Cho rằng lĩnh vực văn hóa rất nhạy cảm, phức tạp, đòi hòi những người làm công tác quản lý không chỉ giỏi về chuyên môn và còn phải tâm huyết, trách nhiệm, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo Sở VHTTDL phải kết hợp hài hòa giữa kỹ năng quản lý với văn hóa ứng xử để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, không để từ việc nhỏ thành chuyện lớn, từ việc đơn giản thành phức tạp. Bảo tồn di tích cần phải làm thật tốt công tác truyền thông, không để xảy ra sơ suất nào.

Bí thư Thành ủy chia sẻ, trong cuộc sống có những việc rất nhỏ liên quan đến văn hóa nhưng trở thành tiêu điểm của dư luận. Một vài người ngắt hoa, bẻ cành, nhưng gây tiếng xấu cho cả một lễ hội. Chỉ 5-7 cửa hàng "phở mắng", "cháo chửi" làm ảnh hưởng đến cái hay, cái đẹp của ẩm thực, văn hóa của cả thành phố. "Người ta thường lấy cái chưa tốt của mình để so sánh với nơi này nơi khác, chứ ít khi lấy cái hay, cái tốt của mình để so sánh. Mỗi khi đọc được những so sánh như thế tôi rất tự ái. Nhưng mình phải lấy điều đó để cố gắng làm tốt hơn nữa" - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị cán bộ ngành VHTTDL Thủ đô.

Đánh giá công tác quản lý lễ hội của thành phố chỉ ở mức trung bình hoặc trên trung bình, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở VHTTDL phải làm tốt hơn nữa công tác này, cần học tập các nơi làm tốt thời gian qua như Phú Thọ, Hải Dương, đặc biệt là Huế. Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cho rằng, cần phải mạnh dạn nâng giá vé để có nguồn lực đầu tư cho cảnh quan, dịch vụ "ra tấm ra món" cho các di tích. Sở phải sớm xây dựng được quy chuẩn về các nghi lễ lễ hội một cách bài bản, thống nhất làm căn cứ tổ chức các trong thời gian tới. Đồng chí cũng yêu cầu Sở VHTTDL cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính đối với các lĩnh vực liên quan, nhất là về quảng cáo ngoài trời. "Các đồng chí có công cụ quản lý trong tay là hàng loạt các biện pháp xử lý hành chính. Vấn đề là phải có quyết tâm làm, xử lý đến nơi đến chốn các sai phạm" - Bí thư Thành ủy chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Văn hóa cần được đầu tư tương xứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.