Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn tại IPU-132

Hà Phong| 09/04/2015 06:13

(HNM) - Ngày 8-4, UBTVQH đã nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, IPU-132 không những thành công về mặt tổ chức mà còn về nội dung và ngoại giao. Quá trình chuẩn bị các khâu đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan. Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá đây là một trong những kỳ đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, nước chủ nhà đã nâng tầm tiêu chuẩn tổ chức của một kỳ Đại hội đồng IPU, đưa hình ảnh của IPU đến gần hơn với nhân dân. Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua 5 văn kiện chính, trong đó có "Tuyên bố Hà Nội", sáng kiến của Việt Nam, là văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng IPU-132 được thông qua, kết quả của quá trình chuẩn bị, tham vấn và vận động kỹ lưỡng giữa Việt Nam với Ban Thư ký IPU.

* Chiều 8-4, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là quy định về thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), quy định thưởng vượt thu những khoản thu nộp về Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, chỉ tiêu thu chi NSNN cấp trên giao cho cấp dưới là chỉ tiêu pháp lệnh. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương. Nếu quy định thưởng cho địa phương phần vượt ngân sách thì cần phải nêu rõ thưởng ở những khoản thu nào để tạo cơ sở khuyến khích các địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách và có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong tình hình hiện nay nên thưởng vượt thu thuế xuất nhập khẩu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu quan điểm, thưởng địa phương vượt thu nhưng nên ấn định mức chung để thực hiện thống nhất; mức thưởng tối đa bằng 30% khoản vượt thu.

Về ứng trước dự toán năm sau, một số ý kiến cho rằng cần có quy định nhưng chỉ áp dụng với một số trường hợp với nguyên tắc, thời hạn, tỷ lệ rõ ràng. Tinh thần chung là không ứng nhiều. Cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, chi tiêu phải có dự toán. Chỉ cho phép ứng trước vốn và phải hoàn trả trong năm ngân sách để bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi NSNN thực tế phát sinh trong năm.

Trước đó, UBTVQH thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam để lại nhiều dấu ấn tại IPU-132

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.