Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

Đặng Loan| 15/04/2015 06:29

(HNM) - Từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thoát dần cơ chế quan liêu bao cấp, TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, thật sự trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bài 2: Năng động, tạo nền tảng phát triển

Từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thoát dần cơ chế quan liêu bao cấp, TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, thật sự trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

"Cởi trói" cơ chế kinh tế

14 năm gắn bó với TP Hồ Chí Minh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhớ lại thời bắt tay vào xây dựng thành phố trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà máy thiếu nguyên liệu, thiếu điện ngưng hoạt động, nạn thất nghiệp, thiếu việc làm nghiêm trọng, hơn 700.000ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị bỏ hoang… Chưa kể, TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ còn phải đương đầu với thử thách nghiệt ngã của thiên tai, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, nguồn ngoại viện của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngày càng suy giảm… Đặc biệt, các cuộc cải tạo công thương nghiệp đã tác động mạnh đến sản xuất và lưu thông phân phối, làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của người dân. Chỉ số giá cả thị trường tăng nhanh, công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc vì thiếu vật tư, nguyên liệu… Thành phố đã phải "chạy ăn từng bữa" cho 3,5 triệu dân. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng về kinh tế và đời sống tại TP Hồ Chí Minh là những năm 1979 - 1980. Lạm phát leo thang với những con số phi mã làm phát sinh hiện tượng thợ thuyền rời nhà máy, công nhân, viên chức bỏ cơ quan và làn sóng "thuyền nhân" đi vượt biên, di tản.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.



Để thoát khỏi tình trạng kinh tế suy thoái, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã chủ động tìm kiếm những biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất thoát dần cơ chế quan liêu, bao cấp. Nắm bắt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV), Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết 9 (tháng 8-1979) khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh tự chủ, tự cường trong sản xuất, lưu thông. Thành phố đã chỉ đạo và đỡ đầu trách nhiệm cho một số doanh nghiệp quốc doanh "làm trái" với những nguyên lý quản lý kinh tế lúc bấy giờ như tự chủ, tự tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm… Các mô hình công nghiệp quốc doanh "tự cứu mình" như Công ty bột ngọt miền Nam (Viso); Xí nghiệp thuốc lá; Nhà máy bia Sài Gòn; các nhà máy dệt Thành Công, Phước Long, Phong Phú, Thắng Lợi… Dù không ít lần bị "tuýt còi", nhưng từ những sáng tạo đột phá của TP Hồ Chí Minh, "hơi thở thị trường" đã bắt đầu đi vào cuộc sống.

Có thể nói, những năm đầu sau giải phóng là quãng thời gian TP Hồ Chí Minh trên cơ sở thực tiễn đã tìm tòi, thử nghiệm những hướng đi mới, tạo điều kiện và kích thích các thành phần kinh tế phát triển. Đến cuối năm 1985, trong bối cảnh đất nước chưa thật sự thoát khỏi khủng hoảng, TP Hồ Chí Minh với khoảng 6% dân số đã đóng góp 19% tổng sản phẩm xã hội và 17,5% thu nhập quốc dân của cả nước.

Kiến tạo diện mạo mới

Sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh nhìn bề ngoài hầu như nguyên vẹn. Thế nhưng theo TS.KTS Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố) thì đó là "nguyên vẹn của sự chắp vá do phát triển tự phát trong chiến tranh". Biểu hiện của sự chắp vá này là các khu dân cư tự phát rộng lớn hình thành khi người dân di cư vào thành phố để tránh bom đạn hoặc để kiếm sống. Vì hình thành tạm bợ nên các khu dân cư này gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng như: giao thông, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện… Hàng vạn cơ sở sản xuất ô nhiễm nằm ngay trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Các con kênh xanh như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm; Tàu Hũ - Bến Nghé… trở thành dòng kênh đen. Những sự chắp vá này khiến thành phố trở nên méo mó cho tới khi thực hiện chính sách đổi mới…

Sau 40 năm, có thể nhận thấy sự thay đổi rất rõ của TP Hồ Chí Minh qua những thành tựu to lớn về xây dựng, cải tạo và phát triển. Sự mở rộng nội thị đúng định hướng đã kịp đáp ứng nhu cầu sinh sống của gần 10 triệu dân. Trên cơ sở kết quả quá trình đô thị hóa, bảy quận mới gồm: Quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân đã ra đời. Việc mở rộng không gian đô thị theo xu hướng đa cực đã làm giảm áp lực về cơ sở hạ tầng trong khu nội thành. Cùng với quá trình ấy, vùng ngoại vi thành phố, từ một vành đai trắng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đã thay da đổi thịt. Nhiều đầm lầy hoang vu đã trở thành các khu đô thị mới sầm uất, khu chế xuất, khu công nghiệp. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan của thành phố đã thay đổi đáng kể với các trục đường, các khu đô thị mới, các dòng kênh…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, đánh giá: Cùng với tăng trưởng kinh tế, chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững của TP Hồ Chí Minh có nhiều tiến bộ rõ rệt. Quá trình phát triển thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã làm cho diện mạo đô thị của thành phố phát triển vượt bậc. Các hệ thống giao thông, đường vành đai, tuyến metro; các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm… được đầu tư xây dựng, phát triển hài hòa với tổ chức không gian thành phố. Việc nhận thức đúng và làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã tạo ra dáng vẻ mới văn minh, hiện đại cho TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.