Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

Nguyễn Lê| 17/04/2015 06:57

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo trong việc huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, thành phố đã đi đầu thực hiện thành công mô hình xã hội hóa đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Mở cửa xã hội hóa nguồn lực đầu tư

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo trong việc huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, thành phố đã đi đầu thực hiện thành công mô hình xã hội hóa đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

"Mở cửa" huy động vốn

Cách đây 20 năm (năm 1995), sức ép đô thị đòi hỏi phải mở rộng một số tuyến đường đã quá chật chội, nhưng ngân sách lại eo hẹp, do vậy TP Hồ Chí Minh phải xin chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành. Đây là trái phiếu đầu tiên được bảo đảm nguồn vốn trả nợ bằng cơ chế thu phí giao thông. Từ kinh nghiệm phát hành trái phiếu này, thành phố tiếp tục xin chủ trương cho phát hành trái phiếu đô thị - là loại trái phiếu tổng hợp được bảo đảm bằng ngân sách của thành phố. Việc phát hành trái phiếu đô thị đã giúp tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương khi huy động vốn đầu tư tư nhân. Từ đó, rất nhiều tuyến đường, cây cầu tại TP Hồ Chí Minh được mở rộng và đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 24.778 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, trong số này có hàng nghìn tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa thông qua các hình thức như BOT, BTO, BT...

Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng giao thông hàng nghìn tỷ đồng.



Để phát huy hiệu quả trong kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương chuyển quyền khai thác những công trình giao thông này cho các doanh nghiệp quản lý khai thác thu phí; đồng thời hoàn trả ngay cho ngân sách nhà nước số tiền đã đầu tư để có vốn thực hiện các dự án khác. Theo đó, mô hình đầu tiên là nhượng quyền khai thác đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương cho Công ty cổ phần Đầu tư khai thác hạ tầng thành phố với số tiền chuyển nhượng là 1.000 tỷ đồng và quyền khai thác thu phí là 9 năm. Mô hình này đã được thực hiện thành công và nhân rộng trong cả nước. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, loại hình "công ty cổ phần đại chúng" là một mô hình doanh nghiệp có lợi thế trong việc huy động nguồn vốn, hoạt động tương đối hiệu quả và minh bạch trong quản lý. Do đó, thành phố đã chủ trương thông qua cơ chế hợp vốn giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế nhằm thành lập các công ty theo loại hình này để đầu tư vào các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó, phần vốn nhà nước chỉ mang tính chất là "vốn mồi".

Linh hoạt các mô hình xã hội hóa

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu thực hiện thành công mô hình xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Điển hình là việc thành phố cho phép các trường học, cơ sở đào tạo, bệnh viện được vay vốn tín dụng thương mại của hệ thống ngân hàng nhằm đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở dịch vụ của mình. Theo TS Trần Du Lịch, bản chất của chính sách này là do ngân sách nhà nước không có đủ 100% vốn để đầu tư xây dựng, nhất là đầu tư xây dựng các cơ sở y tế kỹ thuật cao, cơ sở giáo dục chất lượng cao, do đó thành phố hỗ trợ các đơn vị này tự vay, tự trả. Theo tính toán, vào thời điểm năm 2001, nếu mỗi năm ngân sách nhà nước chi 50 tỷ đồng bù lãi suất thì các đơn vị có thể huy động được 1.500 tỷ đồng để đầu tư. "Đây chính là mô hình xã hội hóa mang tính sáng tạo, linh hoạt của thành phố, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục. Đó là chưa kể đến việc tạo nên thương hiệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trực tiếp tham gia trong lĩnh vực này và cũng là thương hiệu cho thành phố", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tiễn ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã chứng minh sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi… để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.