Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II

Theo Thu Hằng| 18/04/2015 14:22

Sáng 18/4, tại Hà Nội, đã khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 2014-2019). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.


Cùng dự có: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Chủ tịch Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam Lê Thúc Anh cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng gần 390 đại biểu là các luật sư đại diện cho hơn 9.000 luật sư trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH) .


Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ I (2009-2014), Phó Chủ tịch Thường trực LĐLS Việt Nam Nguyễn Văn Thảo cho biết: Ngày 12/5/2009, LĐLS Việt Nam được thành lập tại Đại hội luật sư toàn quốc lần thứ 1. Trải qua 5 năm xây dựng và phát triển, Liên đoàn bước đầu đã thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới LS; thực hiện công tác tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp LS; vị thế của Liên đoàn đã bước đầu được khẳng định cả ở trong nước và quốc tế...

Đến nay, 63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã thành lập Đoàn LS. Tính đến tháng 3/2015, cả nước đã có 9.436 LS, tăng hơn 40% so với thời điểm Liên đoàn LS được thành lập. Ngoài ra, có khoảng 4.000 người đang tập sự hành nghề LS.

Từ tháng 5/2009 đến nay, các LS trong cả nước đã tham gia 77.129 vụ án hình sự (trong đó có 42.494 vụ do cơ quan tiến hành tố tụng mời); 65.263 vụ án dân sự; 5.486 vụ án kinh tế, 5.575 vụ án hành chính… và 37.827 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí.

Bên cạnh đó, các LS đã tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là đóng góp cho Hiến pháp năm 2013. Ban nghiên cứu pháp lý Biển Đông và hải đảo của Liên đoàn đã được thành lập và Liên đoàn đã 4 lần ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác bảo vệ và hỗ trợ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi ích hợp pháp khác của LS cũng được Liên đoàn quan tâm, chú trọng. Theo đó, Liên đoàn đã nhận được 167 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS, đồng thời nhận được 443 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến LS. Qua xem xét, các Đoàn LS đã quyết định xử lý kỷ luật 94 trường hợp, trong đó xóa tên khỏi danh sách 22 LS.

Liên đoàn và các Đoàn LS đã chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát các LS trong việc tuân thủ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp.

Bên cạnh những thành tích đạt được, qua 5 năm hoạt động, Liên đoàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, sự gắn kết giữa Liên đoàn và các Đoàn LS trong một số lĩnh vực chưa thực sự chặt chẽ. Đáng chú ý, tình trạng một bộ phận LS chưa nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, chưa có ý thức đóng góp xây dựng Liên đoàn...

Bước sang nhiệm kỳ II, LĐLS Việt Nam xác định tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: Củng cố và nâng cao vai trò tự quản của Liên đoàn LS và các đoàn LS, chú trọng phát triển LS đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của LS. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát đạo đức nghề nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao địa vị pháp lý của LS trong các quan hệ tố tụng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những nỗ lực của LĐLS Việt Nam vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển, đồng thời chúc mừng những kết quả Liên đoàn đã đạt Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả hết sức quan trọng nói trên, tổ chức và hoạt động luật sư hiện nay vẫn còn những hạn chế, thách thức không nhỏ như: tỷ lệ luật sư trên số dân còn thấp trên thế giới, nhất là vùng sâu, vùng xa; chất lượng luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về tố tụng và tư vấn pháp luật theo yêu cầu cải cách tư pháp; cá biệt một số luật sư nhận thức chính trị còn lệch lạc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước với luật sư còn nhiều hạn chế... Đây là những vấn đề cần tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Nhấn mạnh Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác đinh mục tiêu: “xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý...” và Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”.., Chủ tịch nước nêu rõ đây chính là định hướng và căn cứ pháp lý quan trọng để phát triển nghề luật sư ở nước ta.

Khẳng định luật sư có vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân..., Chủ tịch nước đề nghị LĐLS Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến địa phương, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt chế độ tự quản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư.

Mỗi luật sư cần phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, nỗ lực học tập, nâng cao cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn để đủ năng lực tham gia giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế.

Đồng thời, đề nghị Liên đoàn nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện luật pháp, góp phần tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho luật sư, tổ chức luật sư hoạt động; xây dựng cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, phát huy vai trò của luật sư ngay trong giai đoạn điều tra nhằm đảm bảo cho mọi công dân có nhu cầu đều được luật sư trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự.

LĐLS Việt Nam cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước và giới luật sư; đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới luật sư; bảo đảm các hoạt động của luật sư thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tổ chức luật sư trong khu vực và trên thế giới.

Khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Liên đoàn và giới luật sư Việt Nam hoàn thành sứ mạng cao cả của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, Đại hội tập trung trí tuệ, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, kỷ cương, đánh giá đúng thực chất các kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng hoạt động của LĐLS nhiệm kỳ tiếp theo; sáng suốt lựa chọn bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo của LĐLS Việt Nam những người đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh cao trong hoạt động tư pháp, hoạt động luật sư; có khả năng tập hợp, đoàn kết luật sư cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.