Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Những đổi thay mạnh mẽ

Tiến Thành| 28/04/2015 08:11

(HNM) - Sài Gòn trước kia - TP Hồ Chí Minh ngày nay đã trải qua những chặng đường dài trên con đường hình thành và phát triển, trong đó ngày 30-4-1975 là một cột mốc, một bước ngoặt mang tính lịch sử.

Dù biết rõ sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn trong những ngày đầu giải phóng bởi đất nước vẫn chưa im tiếng súng, nhưng vợ chồng bà Phạm Vân Loan (75 tuổi, sống tại số 191/1D Trần Kế Xương, Phường 7, quận Phú Nhuận) vẫn quyết định ở lại với đất mẹ, dù gia đình bà có thể ra đi theo thời cuộc lúc bấy giờ.

Đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng bà Loan vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên cả gia đình bà di cư vào Sài Gòn năm 1954. Được sự cưu mang của ông bác ruột cho ở nhờ trong thời gian đầu, gia đình bà đã tự lập cuộc sống tại đây và mua một căn nhà nhỏ ở Tân Định (Quận 1). Sau đó gia đình bà dọn xuống ở một cư xá trên đường Trương Minh Ký (đường Lê Văn Sỹ bây giờ) rồi dọn sang chỗ ở hiện tại năm 1967. Những ngày đầu vào phương Nam, gia đình bà cũng như nhiều gia đình công chức bình thường của chế độ cũ, cuộc sống tương đối ổn định tại đô thị lớn nhất miền Nam thời bấy giờ. Bà Loan lúc đó theo học tại Trường Trưng Vương từ lớp đệ thất lên đệ nhất (tức lớp 6 lên lớp 12).

Năm 1972, bà Phạm Vân Loan lập gia đình với ông Nguyễn Nhã (quê gốc Ninh Bình, di cư vào Sài Gòn năm 1954), lúc ấy ông Nhã đang làm việc tại Trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức. Đến năm 1993, ông cùng với một số người bạn thành lập Trường Đại học dân lập Hùng Vương và làm việc trong vai trò trợ lý hiệu trưởng. Hiện tại ông là một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước về nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa, với nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Năm 2003, ông nhận học vị tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa và vẫn đang tiếp tục với đề tài này. Ông còn giữ vai trò Trưởng đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam) và là Chủ nhiệm CLB Ca trù và hát thơ Lạc Việt.

Được gia đình cho đi học dược, trước năm 1975, bà Loan cùng các chị em trong gia đình mở nhà thuốc Tây ở ngã tư Bảy Hiền, công việc làm ăn và cuộc sống cũng ổn định. Chia sẻ cảm nhận về ngày 30-4, bà Loan cho biết cũng có phần nào đó lo lắng bởi không biết tương lai sẽ ra sao trong bối cảnh Sài Gòn kẻ đi, người ở. Nhưng cũng như tất cả gia đình Việt Nam, gia đình ông bà rất vui mừng khi đất nước thống nhất, non sông về một mối sau thời gian chia cắt với nhiều đau thương và mất mát.

Những ngày đầu khó khăn, nhưng đến năm 1980, sau khi bà đi làm trở lại tại Hiệu thuốc quốc doanh Quận 11 (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) thì cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Nhà nước cho phép những dược sĩ như bà Loan mở nhà thuốc tư, năm 1990 bà xin nghỉ làm nhà nước và cũng lận đận đến mãi năm 2000 thì chuyển về Nhà thuốc Bệnh viện Mắt tư nhân cho đến tận ngày hôm nay.

Nói về TP Hồ Chí Minh 40 năm sau giải phóng, ông bà Phạm Vân Loan - Nguyễn Nhã cho biết: Cảm nhận trước hết là sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố. Có rất nhiều điều đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển ấy. Quy hoạch của thành phố đã tạo những nền tảng phát triển mới, đáp ứng nhu cầu của cư dân khi dân số tăng lên gấp nhiều lần so với trước ngày giải phóng. Cùng với đó là những nỗ lực quản lý đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được tái sinh, dù vẫn còn những điều cần tiếp tục làm và làm tốt hơn. Con người TP Hồ Chí Minh bây giờ cũng có kỷ luật hơn, đối xử với nhau ngày càng nhân ái, nhân văn hơn.

Sống tại thành phố phương Nam từ thuở lọt lòng, từ trước giải phóng đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Cần (67 tuổi, sống tại số 1091 Lò Gốm, Phường 7, Quận 6) vẫn làm ăn buôn bán nhỏ tại nhà, phục vụ nhu cầu của bà con hàng xóm. Ngày còn trai tráng, ông Cần cũng đi làm thêm một số công việc khác để kiếm sống, tóm lại, từ trước đến nay ông thấy cuộc sống cũng tạm ổn. Thế nhưng gần đây có một sự kiện đã thay đổi cuộc sống của ông và cả gia đình.

Nhà cạnh dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm, ông Cần vẫn nhớ rõ những ngày tháng trước kia sống bên cạnh dòng kênh bị ô nhiễm. Đa số là dân nhập cư, tệ nạn hoành hành rất phức tạp, người dân sống trong âu lo. Ông Cần cho biết, hóa chất từ dòng kênh bốc lên, người dân xung quanh kênh đều mắc bệnh ngoài da và đường ruột. Ông Cần nói: Là người dân lao động, không hiểu biết gì nhiều về những quy hoạch dự án của thành phố, ông chỉ biết rằng 40 năm qua thành phố đã cải tạo được con kênh ô nhiễm tồn tại từ chế độ cũ, làm trong sạch được cuộc sống của gia đình ông và bà con quanh kênh này là điều quá đỗi vui mừng. Hằng ngày được nhìn những người dân đi thể dục bên dòng kênh sạch, tận mắt chứng kiến những đổi thay của dòng kênh là mãn nguyện lắm rồi.

Trong lòng thành phố náo nhiệt và phát triển mạnh mẽ, những con người vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước đi của thành phố xưa kia, ngày nay và mai sau tại những góc nhỏ bình yên, như căn nhà nhỏ luôn xanh bóng cây trong ngõ Trần Kế Xương của ông bà Loan - Nhã hay ngôi nhà nhìn thẳng ra dòng kênh trong lành của ông Cần - những con người đã gửi gắm gần như trọn vẹn cuộc đời mình tại thành phố này và dù ở những điểm nhìn khác nhau thì tựu trung: Thành phố phương Nam đã có những đổi thay mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Những đổi thay mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.