Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Hiền Phương| 06/05/2015 06:32

(HNM) - Xác định tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển là nhiệm vụ quan trọng trong thời bình, những năm qua, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác TKCN, ứng phó khắc phục sự cố thiên tai, đặc biệt là TKCN xa bờ.

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia TKCN, cơ quan thường trực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai - TKCN các bộ, ngành liên quan, Quân chủng Hải quân đã xây dựng các kế hoạch, phương án TKCN trên biển đạt hiệu quả cao.

Tàu Trường Sa 04 (Lữ đoàn 125 Hải quân) lai dắt tàu cá QNg 96355 cứu 12 ngư dân của Quảng Ngãi. Ảnh: Trọng Thiết


Là lực lượng làm nhiệm vụ đo đạc và nghiên cứu biển nên cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Đo đạc, biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển luôn có mặt trên mọi vùng biển của Tổ quốc. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị luôn xác định sẵn sàng phối hợp với các lực lượng trên biển làm tốt công tác TKCN, cứu hộ, hỗ trợ hoạt động trên biển của ngư dân trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian.

Thượng tá Phạm Kim Tuyến, Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn Đo đạc, biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển cho biết: Cán bộ, chiến sĩ của đoàn luôn sẵn lòng giúp đỡ ngư dân trên biển, khi thì hỗ trợ nước uống, lúc khám bệnh, phát thuốc, nguy cấp hơn nữa là TKCN hoặc khắc phục sự cố trên tàu cho bà con. Đã có những cán bộ của đơn vị được ngư dân mệnh danh là "khắc tinh của biển cả". Điển hình là Đại úy Bùi Giang Việt, Thuyền trưởng tàu HQ884, thuộc Hải đội 695. Vào tháng 9-2012, Đại úy Bùi Giang Việt đã cùng đồng đội cứu 31 ngư dân gặp nạn trên biển. Lần khác, vào ngày 10-6-2013, tàu HQ 884 của đoàn đã cứu 16 ngư dân gặp nạn trên biển Quảng Ngãi… Anh Việt đã được Ủy ban Quốc gia TKCN tặng Bằng khen, được thăng quân hàm trước thời hạn. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 này, hai tàu của Đoàn Đo đạc, biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển là HQ 884, HQ 886 đã nhận nhiệm vụ trục vớt 2 máy bay quân sự Su 22 của Quân chủng Phòng không - Không quân gặp nạn tại vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận)…

Cũng giống như Đoàn Đo đạc, biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển, Lữ đoàn 125 là một trong những đơn vị điển hình của Quân chủng Hải quân trong thực hiện nhiệm vụ TKCN. Nhờ chuẩn bị tốt các kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Lữ đoàn 125 đã kịp thời giúp đỡ ngư dân khắc phục, giảm nhẹ thiệt hại về người và phương tiện. Mặc dù nhiều tàu của Lữ đoàn không phải là tàu cứu hộ chuyên dụng nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn sẵn sàng TKCN, giúp đỡ ngư dân gặp nạn. Điển hình là ngày 10-1-2013, tàu Trường Sa 16 của đơn vị đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thì nhận được lệnh cứu tàu cá BĐ 96822TS đang bị hỏng máy trôi dạt trên biển. Lúc đó, cơn bão lớn sắp đổ bộ vào Biển Đông, nếu không ứng cứu kịp tàu BĐ 96822, 17 ngư dân sẽ gặp nguy hiểm. Sau 20 giờ tăng tốc chạy đua với cơn bão, tàu Trường Sa 16 đã tiếp cận được tàu cá, lai kéo về nơi trú tránh an toàn. Đại tá Trần Đình Núi, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 cho biết: "Để có thể TKCN kịp thời tàu thuyền của ngư dân, đơn vị đã chủ động huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ về các tình huống cứu hộ, cứu nạn ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt, nhằm rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ đồng thời trang bị những thiết bị cần thiết cho công tác này trước mỗi chuyến đi biển".

Hải quân nhân dân Việt Nam được xác định là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong công tác TKCN trên biển, nhất là các vùng biển xa bờ, trong hệ thống ngành TKCN của quốc gia. Vì vậy, các đơn vị của Quân chủng luôn điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án hoạt động sát thực tế; duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24h, chủ động theo dõi nắm tình hình, tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra. Những người lính hải quân thật xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Từ năm 2009 đến nay, các đơn vị của Quân chủng Hải quân đã tổ chức 582 lần sử dụng lực lượng với 223 lượt chiếc tàu, 3 lượt máy bay DHC-6 và 4 lượt máy bay EC225, 18 lượt chiếc xuồng, 210 lượt chiếc xe ô tô các loại với hơn 11.424 cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, trên các đảo, nhà giàn thực hiện TKCN trên các vùng biển và trên các địa bàn đóng quân. Đại tá Nguyễn Trọng Bình, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Nhờ phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác cũng như chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị trong Quân chủng đã tổ chức cứu nạn được 2.180 người của các tàu cá, tàu vận tải bị nạn, trong đó có 21 người nước ngoài bị bệnh, bị nạn trong quá trình lao động sản xuất trên biển. Các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã tổ chức tìm kiếm, cứu kéo được 232 tàu bị nạn trên biển và trong bão; cấp cứu, bổ sung nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho nhiều tàu cá bị nạn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.