Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc

Hà Phong| 22/05/2015 06:18

(HNM) - Tại dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Ban soạn thảo mới có cơ chế khuyến khích con em nông dân nhập ngũ, sẽ khó bảo đảm được công bằng và chưa giúp chất lượng quân đội được nâng lên.



Không chỉ vậy, tại dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Ban soạn thảo mới có cơ chế khuyến khích con em nông dân nhập ngũ, sẽ khó bảo đảm được công bằng và chưa giúp chất lượng quân đội được nâng lên.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền và trách nhiệm thiêng liêng của mọi công dân. Ảnh: Viết Thành


Sinh viên hệ chính quy có thể hoãn nhập ngũ

Tại phiên họp, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng), Nguyễn Văn Tính (Đoàn Tiền Giang) thẳng thắn nêu quan điểm: Chưa đồng tình với 100% đề xuất Bộ Quốc phòng đưa ra, vì một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, thiếu đánh giá tác động nhiều mặt. Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) mới quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với công dân nam; riêng với công dân nữ thì người tự nguyện, người có chuyên môn phù hợp với quân đội mới được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị. Quy định như trên vừa phù hợp với Hiến pháp (Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt) vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương. Song, đề xuất tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đang học hệ đại học chính quy chưa thực sự hợp lý. Nếu thực hiện, các đối tượng đang học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đang học trong các trường cao đẳng và đại học không chính quy sẽ không thuộc đối tượng xét tạm hoãn. Đối tượng hoãn gọi nhập ngũ sẽ bị thu hẹp.

Về vấn đề này, Ban soạn thảo lý giải, trước nhiều luồng ý kiến khác nhau, việc không quy định tạm hoãn đối với tất cả sinh viên, học viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đã từng được tính đến. Nhưng do hằng năm, số lượng gọi thanh niên nhập ngũ quá ít so với số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ là học sinh, sinh viên (khoảng 6%) nên dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn. Để khắc phục những bất cập về cơ cấu, thành phần thanh niên nhập ngũ hằng năm, hạn chế việc lợi dụng chính sách tạm hoãn đối với học sinh, sinh viên để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đồng thời để phù hợp với chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như tránh được những tác động tiêu cực trong việc đăng ký, tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình như dự thảo. Học sinh, sinh viên các trường hệ chính quy sau khi tốt nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như các trường thuộc hệ khác, vấn đề là thực hiện nghĩa vụ quân sự trước hay sau mà thôi.

Không đồng tình với lập luận trên, ĐB Nguyễn Văn Tính đặt câu hỏi, nước ta đang bình đẳng hóa các trường công lập và dân lập, vậy tại sao lại có việc phân biệt như trên? Nếu chỉ tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho sinh viên đại học chính quy sẽ khiến sinh viên học các trường dân lập tâm tư. ĐB Nguyễn Văn Tính cho rằng, tất cả công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự như nhau, dù học trường gì, làm ở đâu, miễn là cứ đến tuổi thì đều phải nhập ngũ, trừ một số trường hợp đặc biệt thì mới được xem xét miễn hoặc tạm hoãn nhập ngũ.

Băn khoăn về độ tuổi nhập ngũ

Cần công bằng với con em nông dân cũng là vấn đề ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận. Dẫn chứng những con số cụ thể, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho hay, đang có tình trạng thanh niên ở vùng nông thôn, con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhập ngũ nhiều hơn số con em gia đình cán bộ, công chức, gia đình khá giả, công dân có trình độ cao. Các quy định của Bộ Quốc phòng đang khiến một nghĩa vụ rất vẻ vang của công dân từ 18 đến 25 tuổi trở thành nghĩa vụ riêng của một nhóm các công dân ở các vùng nông thôn, ít điều kiện học hành. Nhưng với điều kiện hiện nay, cũng không thể gọi 100% đối tượng đủ điều kiện đều phải nhập ngũ bởi con số này quá lớn. "Tôi đề nghị nghiên cứu quy định dự thảo luật này theo hướng bảo đảm cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, những người không tham gia nên đóng góp một khoản tiền với ý nghĩa xây dựng biển đảo. Riêng những người có bằng đại học tham gia nghĩa vụ quân sự được ưu tiên xét tuyển vào quân đội, không phải thi" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề xuất.

Về độ tuổi nhập ngũ, dự thảo luật đề xuất công dân đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi được gọi nhập ngũ. Riêng công dân đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) lại cho rằng, ngay cả sinh viên y khoa, nếu học 6 năm thì ra trường chưa đến 25 tuổi, một số rất ít trường hợp sinh viên ra trường quá 25 tuổi. Không nên vì một số quá ít như vậy mà điều chỉnh từ 25 lên 27 tuổi. Qua những lần tiếp xúc cử tri, cũng chưa có kiến nghị nào phải nâng độ tuổi từ 25 đến 27 tuổi là để bảo đảm công bằng xã hội.

Với chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Đoàn Phú Yên) đồng tình với quy định trước khi nhập ngũ mà đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí việc làm, bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên có trách nhiệm giải quyết việc làm cho người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Kim Chi băn khoăn về tính khả thi của quy định này: "Ở xã, một bí thư xã đoàn khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc là một cán bộ cấp xã phải giải quyết rất nhiều việc. Khi họ đi thì ai sẽ là người đảm nhận những công việc này? Nếu tuyển hoặc bầu những người khác thì khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thì sẽ bố trí như thế nào? Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn." - ĐB Đặng Thị Kim Chi bày tỏ.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang): Tôi cho rằng, quy định đối tượng đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo được tạm hoãn nhập ngũ cần được nghiên cứu, quy định rõ hơn. Vì, trên thực tế có nhiều trường đại học đào tạo theo hình thức tín chỉ có thể kéo dài thời hạn đào tạo tới 6-7 năm, việc này khiến nhiều người lợi dụng.

ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn Quảng Nam): Nghề đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động chính là thanh niên, mỗi chuyến kéo dài hàng tháng trên biển. Trong bối cảnh khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, cần có chính sách ưu tiên miễn nghĩa vụ quân sự cho ngư dân đánh bắt xa bờ, nếu không sẽ thiếu hụt lao động cho nghề này. Hơn nữa, với công việc đánh bắt xa bờ, chính những thanh niên ngư dân cũng đã đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.