Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

Nga Hà| 24/05/2015 06:13

(HNM) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).


Ủng hộ nhiều điểm mới mà cơ quan soạn thảo - Tòa án nhân dân Tối cao - đưa vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) như công nhận án lệ, kết quả hòa giải ngoài tòa án, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng... Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ĐBQH Đoàn Quảng Ngãi) nhấn mạnh, những cải cách nêu trên phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hạn chế việc tự sử dụng "luật rừng" giữa người kiện và người bị kiện. ĐB Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, yêu cầu "cân nhắc" của cơ quan thẩm tra về việc áp dụng án lệ, mở rộng thẩm quyền ban hành những biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tòa án… là quá thận trọng. "Muốn đổi mới mạnh mẽ, đột phá nhưng lại đặt yêu cầu quá thận trọng thì việc sửa luật khó căn cơ, sẽ lại là những "chuyện cũ lặp lại" - ĐB Nguyễn Hòa Bình nói.

Tại Đoàn TP Hồ Chí Minh, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị, ngoài đổi mới nêu trên, không nên quy định thời hạn xét xử là "vô cùng". Vì mỗi lần gia hạn thời hạn xét xử sẽ khiến vụ việc càng kéo dài, có thể 10 năm còn chưa xử được. Cùng trăn trở trước thời hạn xét xử vụ án dân sự bị kéo dài, án bị hủy, sửa nhiều, thậm chí là tạm đình chỉ, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh chỉ ra thêm những nguyên nhân khác, điển hình là định nghĩa "người có quyền, nghĩa vụ liên quan" không rõ ràng...

Với thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, ĐB Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Nội) yêu cầu thiết kế chặt chẽ. "Thực tế cho thấy, có nhiều vụ tranh chấp dân sự đã được giải quyết nhưng bên có nghĩa vụ liên quan vẫn muốn kéo dài thời gian. Trong trường hợp chứng cứ rõ ràng, văn bản đầy đủ thì tòa án cần giải quyết nhanh gọn nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân" - ĐB Nguyễn Sơn đề nghị.

Chiều 23-5, QH tiếp tục làm việc tại hội trường. Đầu giờ, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc tờ trình dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cũng đã nêu rõ 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật là: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo Ủy ban Tư pháp, vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thì viện kiểm sát (VKS) có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự đều quy định thẩm quyền của VKS giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.

Như vậy, khiếu nại, tố cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam là khiếu nại về tư pháp, không phải là khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Mặt khác, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tạm giữ, tạm giam theo yêu cầu phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời hoạt động điều tra khám phá tội phạm và luôn được kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật, do đó không nên quy định quyền khởi kiện trước tòa án của người bị tạm giữ, tạm giam. Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều quy định của dự án luật về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử.... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự... Tuy nhiên, trong dự thảo luật thì các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát những nội dung liên quan việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để quy định tập trung, rõ ràng, cụ thể ngay trong dự án luật, mà không giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Cũng trong chiều 23-5, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thú y. Đáng chú ý, trong 14 ý kiến thì hầu hết đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện (quy định về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ở địa phương tại khoản 4, Điều 26) khi công bố dịch bệnh động vật cũng như cần có thêm vai trò của các cơ quan liên quan.

Chiều 23-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng Tổng Thư ký thăm và làm việc tại Việt Nam đúng vào thời điểm Quốc hội Việt Nam đang họp kỳ thứ chín và đặc biệt là sau thành công của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thông báo tới Tổng Thư ký về việc Việt Nam vừa thông qua bản Hiến pháp mới với những nội dung quan trọng về việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, định hướng xây dựng và củng cố mô hình Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước nhất là giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.