Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy tinh thần trách nhiệm

Nhóm PV| 25/05/2015 06:12

(HNM) - Việc hát Quốc ca khi tiến hành nghi thức chào cờ cần được triển khai thường xuyên, nghiêm túc và thực hiện ngay từ 1-6-2015.


Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng: Tôi rất hoan nghênh và hưởng ứng nội dung công văn của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội gửi toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố về việc thực hiện nghi lễ chào cờ trong sinh hoạt tập thể, tổ chức các hội nghị và sự kiện quan trọng. Điều đó là đặc biệt cần thiết để có sự thống nhất trong thực hiện một nghi thức thiêng liêng, bảo đảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của Lễ chào cờ Tổ quốc. Từ trước tới giờ, không phải chúng ta không thực hiện việc này, cũng đã có những ngành trên địa bàn Hà Nội mà điển hình là Sở GD-ĐT ban hành quy định, hướng dẫn việc học sinh hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ (cuối năm 2013), tuy nhiên chưa có sự đồng bộ và thống nhất do thiếu những quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện có phần tùy tiện, chưa trở thành nền nếp.

Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng, thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc nội dung công văn nêu trên, có đôn đốc, kiểm tra, giám sát để không rơi vào tình trạng "đánh trống, bỏ dùi", tôi cho rằng chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên và giáo dục ý nghĩa thiêng liêng của việc chào cờ, hát Quốc ca cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước. Mỗi công dân Việt Nam cần ý thức mỗi lần chào cờ và hát Quốc ca là một lần mình tự giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, xây dựng, bồi đắp và hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, cho chính bản thân mình. Như vậy, thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca sẽ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người Việt Nam và giúp muôn con tim mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hòa chung một nhịp đập.

PGS,TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Tôi rất đồng tình với quy định về việc mọi người dân phải hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Ngày còn là học sinh phổ thông, trong những lễ chào cờ đầu tuần, chúng ta đứng nghiêm, mắt dõi theo lá cờ Tổ quốc tung bay, miệng hát vang bài Quốc ca hùng tráng. Lễ chào cờ đã thực sự khích lệ, động viên mỗi người phải cố gắng nhiều hơn, để xứng đáng với những tiền nhân đã tô thắm lá cờ bằng máu của mình. Tôi tin rằng, khi hát lên lời bài Quốc ca trong lễ chào cờ, tình cảm và trách nhiệm công dân của từng người dân sẽ được khắc sâu hơn, thường xuyên nhắc nhở mỗi chúng ta về nghĩa vụ với Tổ quốc thiêng liêng…

Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) Nguyễn Quý Xuân: Những năm gần đây, nghi lễ này đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội, trực tiếp là Sở GD-ĐT chú trọng nhắc nhở đối với tất cả trường học, ở mọi cấp học trên địa bàn. Theo tôi được biết, Quốc ca được dạy chính thức cho HS từ lớp 3, nhưng ngay từ khi vào lớp 1, thậm chí nhiều bé học mẫu giáo cũng đã thường xuyên được nghe và học bài hát này tại trường.

Tại Trường THPT Phúc Lợi, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã có chỉ đạo cụ thể tới Đoàn Thanh niên, các giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở học sinh về việc hát Quốc ca trực tiếp thay cho việc mở đĩa nhạc. Việc hát Quốc ca của trường được duy trì không phải chỉ trong lễ chào cờ ngày thứ hai hằng tuần mà còn ở tất cả hoạt động quan trọng, với hình thức hát tập thể của cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, ngành GD-ĐT Hà Nội về duy trì việc hát Quốc ca là cần thiết và chắc chắn sẽ khiến cho việc thực hiện nghiêm túc hơn. Hát Quốc ca sẽ hun đúc thêm lòng yêu nước trong mỗi con người Việt Nam và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy tinh thần trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.