Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư nên gắn với tạo liên kết cho DN nội địa

Vân An| 25/05/2015 16:06

(HNMO) - Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.


Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đã tập trung góp ý về tình hình triển khai kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2015: kết quả, thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra và những giải pháp tập trung thực hiện cho giai đoạn tới; chính sách tài khóa năm 2013, trình tự, thủ tục quyết toán ngân sách, công tác điều hành thu-chi, bội chi ngân sách…

Góp ý cho các báo cáo chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, Chính phủ cần tập trung phân tích và làm rõ thêm về tình hình phát triển của khối DN, kể cả nhà nước và ngoài nhà nước.

Theo đại biểu Hường, trên thực tế, số lượng DN phá sản còn khá nhiều: năm 2013 có hơn 60.000 DN, năm 2014 tăng lên hơn 67.000 và đến đầu năm 2015, tuy có thêm hơn 23.000 DN thành lập mới nhưng lại có hơn 19.000 DN phá sản. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN có doanh thu nộp thuế thấp, năm 2014 chỉ đạt 50% tổng số DN còn hoạt động. Điều này cho thấy, các DN vẫn đang tiếp tục khó khăn và trong số các DN phá sản, có cả DN tầm trung, không chỉ hoàn toàn là DN vừa và nhỏ.

Theo đại biểu Hường, việc tập trung thu hút đầu tư nước ngoài là đúng nhưng Chính phủ cũng cần có động thái để khi thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo được động lực liên kết giữa DN nước ngoài và DN nội địa, cụ thể như trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.



Đại biểu Hường cũng kiến nghị Chính phủ nên có đánh giá thực chất về cải cách hành chính.

“Cải cách hành chính không chỉ nằm ở cải cách về thủ tục và quy trình, mà cần cải cách cả về bộ máy, con người. Chúng ta cần có sự thay đổi đồng bộ mới có thể tạo được đột phá”, đại biểu Hường nói.

Về quyết toán ngân sách năm 2013, đại biểu Hường nhất trí với đánh giá của Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội rằng, kỷ luật tài chính chưa được Chính phủ thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn với quan điểm của Ủy ban về việc đề nghị Quốc hội quyết duyệt mức tăng chi như tờ trình của Chính phủ bởi Chính phủ “đã chi rồi”.

“Nếu kỷ luật ngân sách không được siết chặt thì có lẽ quyết toán năm 2014 Quốc hội lại phải duyệt tăng chi theo đề nghị của Chính phủ vì theo báo cáo hiện có, hầu hết các địa phương đều vượt chi. Tôi đề nghị Quốc hội phải nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong phê duyệt ngân sách”, đại biểu Hường nói.

Nhận xét nền kinh tế năm qua có những biến chuyển tích cực, đại biểu Phạm Huy Hùng nhấn mạnh đến yêu cầu phải thực hiện nhanh, có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, rà soát toàn diện lộ trình thực hiện tái cơ cấu của từng địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, ưu tiên nguồn lực thực hiện những lĩnh vực then chốt.

Đại biểu Hùng cũng đề nghị, quá trình đổi mới thể chế kinh tế phải gắn liền với đổi mới tiền lương, thực hiện chi trả tiền lương, thưởng minh bạch, đảm bảo mức sống của người lao động và đảm bảo tiền lương phải kích thích được người lao động cống hiến. Theo đại biểu Hùng, tiền lương thấp chính là một trong những lý do khiến các chi phí ngoài của Việt Nam thường cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư nên gắn với tạo liên kết cho DN nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.