Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định quyền im lặng là không phù hợp?

Vân An| 27/05/2015 17:08

(HNMO) - Chiều 27/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật tố Tụng hình sự sửa đổi, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi và đánh giá, đây là một dự luật được chuẩn bị công phu, chất lượng.

Tại tổ Hà Nội, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi và đánh giá, đây là một dự luật được chuẩn bị công phu, chất lượng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Đặc biệt, dự thảo đã có nhiều điểm mới, bảo đảm quyền con người, tranh tụng trong xét xử, đề cao vai trò của người bào chữa với nhiều quy định mới cho phép người bào chữa tham gia sớm hơn vào quá trình tố tụng…

“Chủ thuyết của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này là gì? Tôi cho rằng, chủ thuyết đầu tiên và quan trọng nhất là thể chế hóa; thể hiện chính sách hình sự dân chủ hóa hơn nữa, đảm bảo hơn nữa quyền con người, quyền công dân; tăng cường kiểm soát quyền lực trong quá trình thi hành tố tụng; khắc phục những bất cập hiện hành. Dự luật lần này đã có nhiều thay đổi, có thể coi là luật mới, mang tính đột phá và được một số chuyên gia nước ngoài đánh giá tiến bộ hơn so với luật của một số nước”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung còn đề nghị, dự luật này đã được sửa theo hướng gần như hoàn toàn thay mới luật hiện hành, nên có thể gọi tên là Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Về quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ủng hộ việc luật hóa quyền im lặng, tự bào chữa, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, dự luật cần bổ sung quy định người bị bắt, bị tạm giam có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, được quyền không khai báo cho đến khi người bào chữa có mặt, trừ phi tự nguyện khai báo.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung



Cũng tán thành việc quy định quyền tự bảo vệ của người bị bắt, bị tạm giam, nhưng các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Đình Quyền đề nghị dự luật cần thận trọng và cụ thể hơn trong cách quy định.

Theo nhận xét của đại biểu Đinh Xuân Thảo, hai phương án như trong dự luật là chưa rõ. Dự luật nên sửa theo hướng quy định người bị bắt có quyền trình bày hoặc từ chối trình bày ý kiến hoặc đưa ra những chứng cứ bất lợi cho mình.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, thực tế ở Việt Nam nói chung, và ở Hà Nội nói riêng, án hình sự chủ yếu là án truy xét mở rộng, do đó, việc quy định quyền im lặng là không phù hợp. Dự luật nên quy định theo hướng người bị bắt có quyền tự do trình bày lời khai, không bị ép nhận tội, ép cung.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, mô hình quy định về quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ ở các nước là rất khác nhau, phụ thuộc vào mô hình tố tụng, xét hỏi của từng nước.

“Hiện nay, ở Việt Nam, 80-90% là mô hình xét hỏi, trong khi quyền im lặng chủ yếu phù hợp với mô hình tranh tụng. Vì vậy, chúng ta nên quy định điều này theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, vừa đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, luật sư”, đại biểu Quyền nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Sơn, quy định hiện hành không bắt buộc bị can, bị cáo phải nhận tội, nhưng nếu nhận tội thì sẽ được xem xét khoan hồng giảm án. Còn trách nhiệm kết án là thuộc các cơ quan điều tra, tố tụng. Vì vậy, quy định như luật cũng không có gì bất hợp lý, khác chăng chỉ đảm bảo hơn quyền dân chủ của công dân.

Về việc cho phép luật sư tham gia quá trình điều tra, các đại biểu ủng hộ quy định người bào chữa có quyền được thu thập chứng cứ, chứ không nên tham gia điều tra.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, kinh nghiệm các nước khác thường quy định, luật sư có khả năng điều tra nhưng không có thẩm quyền điều tra vì đây là hoạt động khó, đòi hỏi có trình độ, nghiệp vụ sâu, chỉ nên giao cho cơ quan điều tra chuyên trách. Nếu luật sư tham gia điều tra thì chỉ được ra tòa làm chứng chứ không được làm luật sư bào chữa nữa.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung lưu ý, nếu luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo mà lại được thu thập chứng cứ thì có nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do đó, không nên quy định vấn đề này vào luật.

Về việc ghi âm, ghi hình các buổi lấy lời khai, theo đại biểu Chung, nếu triển khai thực hiện với tất cả các vụ án thì sẽ là không khả thi, mà chỉ nên thực hiện với những vụ án phức tạp theo đúng quy định của pháp luật.

“Hiện cả nước mỗi năm bắt hơn 100.000 bị can, bị cáo thì chúng ta sẽ phải trang bị bao nhiêu thiết bị cho đủ, lưu trữ như thế nào cho vừa khi mỗi một vụ án có ít nhất 8 bản khai, có vụ án tới 60-70 bản khai, kinh phí sẽ lấy từ đâu?”, đại biểu Chung băn khoăn.

Đại biểu Chung cho biết, thực tế luật hiện hành không quy định việc này nhưng trong một số vụ án, nếu cơ quan điều tra xét thấy bị cáo hay thay đổi lời khai hoặc cần đảm bảo phải ghi hình, ghi âm thì cơ quan điều tra đều ghi rõ việc này trong biên bản lấy cung, khi ghi âm, ghi hình xong đều bật lại cho bị can, bị cáo nghe và lập biên bản niêm phong có chữ ký các bên thì bằng chứng ghi hình, ghi âm này mới có giá trị pháp lý.

Đại biểu Quyền cũng không tán thành quy định này, chỉ ủng hộ bắt buộc ghi âm, ghi hình đối với các vụ án mà bị can, bị cáo mắc tội đặc biệt nghiêm trọng với mức án chung thân, tử hình.

“Lời khai của bị can, bị cáo chỉ là nguồn chứng cứ, khi nguồn này phù hợp với tang vật, vật chứng… thì nó mới trở thành chứng cứ. Chống bức cung, nhục hình thì ghi âm chỉ là một biện pháp, không phải là giải pháp duy nhất”, đại biểu Quyền nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định liên quan đến thời gian tạm giam, tạm giữ; trình tự tố tụng tại phiên tòa; việc bỏ cấp giấy phép bào chữa đối với luật sư; việc sửa bản án; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC; việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan chức năng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định quyền im lặng là không phù hợp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.