Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách

Theo Bích Liên| 02/06/2015 16:26

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 2/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) gồm 7 Chương, 76 Điều, đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung như: phạm vi thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, mức vay nợ của ngân sách cấp tỉnh, dự phòng NSNN..., thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong các quy định về chính sách thu, chi ngân sách, định mức phân bổ chi NSNN…

Tuy nhiên, các tồn tại trong quản lý NSNN hiện nay một phần là do lồng ghép ngân sách. Do vậy, để thực hiện được các quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và khắc phục các tồn tại hiện nay, dự thảo Luật mới đã hoàn thiện các quy định có liên quan như bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập dự toán ngân sách hàng năm; về thảo luận và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm...

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tán thành việc phải công khai, minh bạch trong việc sử dụng ngân sách, đặc biệt là việc bổ sung ngân sách cho các địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật đã quy định nội dung công khai cụ thể, nhưng chỉ phù hợp với cấp ngân sách thôi, chưa thể hiện rõ công khai thu từ nguồn quỹ đóng góp của nhân dân, do đó phải công khai từ khâu dự toán đến quyết toán.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN



Góp ý về nội dung công khai ngân sách và giám sát ngân sách tại cộng đồng, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng: Việc công khai ngân sách của Nhà nước là rất quan trọng, tạo ra sự minh bạch trong quản lý về tài chính kinh tế và sử dụng NSNN. Dự thảo Luật lần này đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng chưa quy định về đối tượng công khai.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật có ghi “báo cáo công khai ngân sách theo quý”, điều này mới chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách. Bởi vậy, cần phải quy định cụ thể về các đơn vị nào cần công khai, và công khai trong thời điểm nào, thời hạn công khai..

Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật cũng chưa thể hiện rõ việc công khai về các nguồn quỹ thu từ NSNN cũng như đóng góp của nhân dân. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán đến việc chấp hành dự toán và việc quyết toán ngân sách, các nguồn quỹ có nguồn ngân sách của Nhà nước và quỹ đóng góp của nhân dân thì phải được công khai minh bạch.

Đại biểu cũng đề nghị, cần quy định cụ thể các nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập để thu toàn bộ vào NSNN sau đó làm dự toán chi. Hằng năm, các quỹ này phải được quản lý và chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải báo cáo kế hoạch cũng như quyết toán thu, chi với các cơ quan quản lý tài chính. Các đơn vị có nguồn thu quỹ cao hàng năm cũng nên báo cáo với Quốc hội về nguồn này.

Về bố trí quỹ dự phòng ngân sách, đại biểu nhất trí với mức bố trí quỹ dự phòng từ 2-4% và đề nghị nên bổ sung thêm việc quỹ dự phòng chi cho những chế độ chính sách mới phát sinh để các địa phương chủ động điều hành ngân sách, đặc biệt là địa phương có khó khăn về nguồn ngân sách. Tỷ lệ quỹ dự phòng này nên phân theo yếu tố địa lý, đặc thù của từng nơi.

Đồng thời, việc hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, ngoài yếu tố về dân số, về địa lý, cũng phải căn cứ theo yếu tố đặc thù của từng địa phương để có sự hỗ trợ những tỉnh có nguồn thu thấp, làm sao việc điều tiết về ngân sách được hợp lý. Dự thảo Luật cũng cần phải bổ sung quy định rõ về thẩm quyền của địa phưong trong việc quyết định các trường hợp cụ thể về việc hỗ trợ chi ngân sách của các cấp khác để thực hiện tốt việc đáp ứng yêu cầu cụ thể của địa phương.

Về bội chi ngân sách địa phương, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng: Ngoài 2 địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những trung tâm kinh tế chính trị lớn của đất nước cần được ưu tiên, cần bổ sung mức dư nợ vay ngân sách địa phương không quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương thực hiện cơ cấu chi cho đầu tư phát triển trên 50% tổng chi ngân sách địa phương trong 2 năm liền kề.

Đại biểu lý giải, hiện nay cả nước mới chỉ có 13 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách và chỉ những nơi thật sự nỗ lực tiết kiệm chi dành nguồn lực cho đầu tư phát triển mới có tiềm lực để trả nợ khi đến hạn. Đồng thời, cơ chế này cũng tạo ra nguồn lực để phát triển những công trình động lực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị, Quốc hội quyết định chi tiết bội chi tại địa phương. Mặt khác, đại biểu cho rằng, hiện Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cho phép bội chi ngân sách địa phương góp phần bảo đảm nợ công, do đó Quốc hội nên quy định mức bội chi NSNN bao gồm bội chi ngân sách Trung ương, bội chi ngân sách địa phương, còn quy định chi tiết từng địa phương thì giao cho Chính phủ thực hiện.

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị, để khắc phục việc dự thảo Luật đã trình Quốc hội có một số quy định còn chưa thống nhất với các luật có liên quan, cần rà soát, đối chiếu và chỉnh lý lại cho phù hợp với các dự án luật có liên quan đã và sẽ được Quốc hội thông qua như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công…

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, Luật Ngân sách Nhà nước cần bổ sung làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đảm bảo Hội đồng nhân dân có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền. Theo đại biểu, cần minh bạch hơn trong quy định về quyền và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân quyền.

Ghi nhận những thay đổi của Dự luật sau quá trình đóng góp ý kiến của Quốc hội, tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, Luật cần quy định rõ hơn về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định ngân sách. Vấn đề quyết định thu, chi ngân sách hàng năm phải được đưa ra bàn bạc công khai trước toàn thể các đại biểu Quốc hội chứ không giới hạn phạm vi của một ủy ban Quốc hội.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự án Luật Tạm giữ, tạm giam./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.