Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn khắc ghi hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Minh Nguyệt| 30/06/2015 06:13

(HNM) - Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Là nhà lãnh đạo có uy tín với Đảng và nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt với vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhận trọng trách Tổng Bí thư, đồng chí đã dành nhiều thời gian đi thăm, khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn Thủ đô, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Với phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân, sâu sát với thực tiễn, trong các năm 1986, 1987, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp thăm, động viên nhiều phường, xã, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp ở Hà Nội. Chính từ đây, đồng chí đã có những chỉ đạo hết sức đúng đắn, quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong những năm đầu thời kỳ đổi mới.

Năm 1987, vấn đề nóng bỏng và cấp bách của Hà Nội khi đó là lưu thông phân phối. Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội. Ngày 21-10-1987, Tổng Bí thư đã trực tiếp viết thư gửi đồng chí Trần Tấn, Chủ tịch UBND thành phố, chỉ đạo, gợi mở một số việc cụ thể để Hà Nội mở rộng trao đổi hàng hóa với các tỉnh phía Nam, góp phần ổn định, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ngành thương nghiệp đẩy mạnh công tác thu mua, nắm nguồn hàng. Các cơ sở thương nghiệp quốc doanh đã chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước để khai thác thêm hàng hóa, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng thủ công… Đến cuối năm 1987, hàng hóa thành phố tự khai thác đã tăng tỷ trọng từ 30% lên 55% tổng mức hàng hóa trên địa bàn; hàng hóa bán ra gấp 4,7 lần so với năm 1986. Năm 1988, hàng hóa thành phố tự khai thác đạt 112,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm 1987; cùng với hàng hóa do Trung ương cung ứng làm cho hàng hóa trên thị trường Hà Nội phong phú hơn, không còn tình trạng "chỉ có cửa hàng mà không có hàng", làm giảm đáng kể thời gian nhân dân chờ đợi mua hàng.

Cũng chính thời điểm này, Hà Nội đã vận dụng, thử nghiệm có kết quả việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ kế hoạch hóa tập trung sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Trong ngành công nghiệp đã xuất hiện những điển hình năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chuyển nhanh sang hạch toán kinh doanh, làm ăn có hiệu quả. Nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển. Trên lĩnh vực phân phối lưu thông có những đổi mới, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, thị trường thông suốt, hàng hóa phong phú, giảm hẳn tình trạng bù lỗ qua ngân sách. Cùng với kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, gia đình được khuyến khích phát triển, tạo ra năng lực mới cho kinh tế Thủ đô.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã đón nhận được sự quan tâm rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tại hội nghị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 31-10-1988, đồng chí nêu rõ: "Mấy năm qua, nhìn chung chúng ta còn coi nhẹ và chưa thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ… nhiều cán bộ gắn bó với phong trào quần chúng, sâu sát thực tiễn lại không được đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị và kiến thức quản lý kinh tế. Điều đó đòi hỏi công tác quy hoạch cán bộ càng tiến hành sớm càng có điều kiện chủ động và như vậy mới có đội ngũ cán bộ để thay thế". Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Với nhận thức sâu sắc và tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", thông qua các bài viết "Những việc cần làm ngay" với bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô và cả nước. Tư tưởng về dân chủ, công khai, nói đi đôi với làm, đặc biệt là quyết tâm chống tiêu cực, trì trệ, quan liêu, lãng phí của đồng chí cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hưởng ứng "những việc cần làm ngay" do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề xướng, các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở đã tập trung đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng; sắp xếp tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở; đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng lề lối làm việc khoa học, cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm, tăng cường kiểm tra, sâu sát cơ sở và quần chúng. Đồng thời, chủ động rà soát, xem xét, xử lý nghiêm túc các vụ việc tồn đọng, phát sinh mới và kiểm điểm, kỷ luật cán bộ vi phạm.

Trong lần gặp gỡ cán bộ lão thành của Hà Nội tháng 2-1990, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bày tỏ rõ quan điểm: "Chúng ta không nên cẩn trọng tới mức rụt rè. Có gì sai chúng ta nói rõ sự thật, dù là sự thật đau lòng để cùng nhau khắc phục, cùng nhau sửa chữa để tiến bộ".

Đặc biệt, Hà Nội được vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ thành phố, tháng 4-1991. Tại Đại hội, Tổng Bí thư đã biểu dương, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã đạt được toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Tổng Bí thư chỉ rõ: "Bao giờ cũng vậy, đổi mới là một cuộc cách mạng, cho nên bên cạnh mặt tốt, phát triển thì xuất hiện ra những mặt không tốt. Lập tức công tác lãnh đạo phải nhạy bén, nắm ngay lấy và uốn nắn ngay, kể cả những mặt tốt chỉ mới tốt một phần thôi, phải phát huy để hoàn chỉnh nó thêm. Những mặt tốt, những mô hình tốt trên nhiều lĩnh vực công tác xuất hiện nơi này, nơi khác chưa phổ biến thì ta phải đi ngay vào để sơ kết, tổng kết và dùng những phương tiện báo chí, sách vở, tài liệu, đài phát thanh, truyền hình để phổ biến làm cho cái tốt xuất hiện còn loáng thoáng, nơi này, nơi kia trở thành phổ biến và nhân rộng ra". Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua những khó khăn, thách thức, giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới trong những năm tiếp theo.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng và đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội Thủ đô.

Từ sau khi Thủ đô được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008) đến nay, Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Diện mạo thành phố ngày càng thay đổi nhanh chóng và khởi sắc rõ nét. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên nhiều lĩnh vực; quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển thể thao thành tích cao; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc các gia đình chính sách xã hội, đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đảng bộ và hệ thống chính trị các cấp của thành phố ngày càng vững mạnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng, tăng cường. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã về với thế giới người hiền, nhưng hình ảnh của đồng chí Tổng Bí thư - một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam mãi vẫn còn in đậm trong lòng nhân dân Thủ đô. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, luôn khắc ghi hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gần gũi, thân thương với cán bộ và nhân dân Thủ đô, luôn là biểu tượng trong công cuộc đổi mới, nguồn động lực to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội trên con đường đổi mới. Ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã trân trọng đặt tên đồng chí cho một con đường giao thông huyết mạch của Thủ đô tại quận Long Biên.

Tưởng nhớ, biết ơn, học tập đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nguyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên về mọi mặt, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH để xứng đáng với sự tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kính mến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn khắc ghi hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.